Mỏ vàng không bỏ hoang

TP - Các cơ quan quản lý, chuyên gia đã nhiều lần nhắc đến việc nông nghiệp Việt Nam đang bỏ qua những cơ hội vàng trong việc tận dụng các cơ hội của hai Hiệp định thương mại tự do ở trình độ cao hơn,

với độ cam kết toàn diện hơn so với 12 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã dày công đàm phán và mất nhiều năm để ký được. Đó là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định CPTPP.

Việc bỏ qua đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, để xuất khẩu vào thị trường của EVFTA và CPTPP với 1 tỷ dân, chiếm hơn 30% GDP của thế giới và thu nhập bình quân đầu người thuộc hàng cao nhất thế giới sẽ là một sai lầm khó có thể sửa chữa nếu không bắt tay làm từ ngày hôm nay.

Thực tế cho thấy, với một đất nước đặt mục tiêu hướng đến công nghiệp công nghệ cao như Việt Nam, vốn nổi tiếng với nhiều sản phẩm độc đáo, có lượng xuất khẩu thuộc top đầu thế giới như gạo, tiêu, điều, chè…, bỏ qua những "mỏ vàng" xuất khẩu sẽ khiến các doanh nghiệp trong nước rơi vài cảnh ăn đong, làm thuê, bán rẻ thương hiệu cho các tập đoàn nước ngoài để họ ăn chênh toàn bộ giá trị gia tăng từ tên thương hiệu của họ.

Những bài học đắt giá đã từng xảy ra với các thương hiệu như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột, cà phê Trung Nguyên, hay mới đây là câu chuyện gạo ST24, ST25 bị doanh nghiệp ở Mỹ, Úc đăng ký bảo hộ thương hiệu. Không ít chuyên gia đầu ngành của Việt Nam đã khẳng định: Nếu nông sản Việt vẫn tiếp tục luẩn quẩn, không tìm cách bảo hộ thương hiệu, việc bị mất tên, bị kiện ngược sẽ xảy ra trong sớm chiều.

Các báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 41,2 tỷ USD, tăng 2,5% so với năm 2019. Trong đó, các mặt hàng nông sản chính ước 18,5 tỷ USD, giảm 0,5%. Dù có hàng loạt mặt hàng xuất khẩu đạt tỷ USD nhưng cảnh bất ổn định về thị trường, được mùa mất giá, liên tục phải giải cứu… là những thách thức đặt ra nhiều năm nay với ngành nông nghiệp.

Câu hỏi đến bao giờ các doanh nghiệp ngành nông nghiệp tham gia được đầy đủ toàn chuỗi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu và sản xuất được nhiều loại giống chất lượng… sẽ cần những chính sách đột phá của Chính phủ, của ngành nông nghiệp trong phát triển doanh nghiệp. Việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp theo hướng đột phá, sáng tạo sẽ là việc làm khó khăn và đòi hỏi nỗ lực rất lớn.

Nếu làm được, ngành nông nghiệp sẽ liên tục lập được các kỳ tích nhờ tận dụng tối đa các ưu đãi thuế quan của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết và hướng tới đưa nông nghiệp thành bệ đỡ cho nền kinh tế với "những mỏ vàng không bỏ hoang" tính bằng nhiều tỷ USD, đem lại phồn vinh cho hàng triệu nông dân và doanh nghiệp.

Có như vậy, nông sản Việt sẽ càng thành công, có vị thế lớn hơn trên thị trường quốc tế, có thêm nhiều lợi thế trong cuộc chạy đua chinh phục người dùng trên toàn cầu.