'Mở lon Việt Nam': Ồn ào quanh một Slogan

TP - Những ngày qua có thể coi là “khủng hoảng truyền thông” với Cục Văn hóa cơ sở, nhưng với toàn dân cũng là một cơ hội để bình bàn.

Trong thực hành ngôn ngữ, có những chữ bị cấm kỵ hoặc bị khoanh vùng theo định kiến chủ quan của cộng đồng, khiến cho chính những người sử dụng ngôn ngữ cũng bị ức chế dẫn đến “tức nước vỡ bờ”.

Sự việc khẩu hiệu “mở lon Việt Nam” đáng bị Cục Văn hóa cơ sở cấm dùng vì trái thuần phong mỹ tục (một lý do thiên về cảm tính) lại càng được thể lan truyền rộng rãi là một ví dụ.

Chỉ riêng việc dùng tên quốc gia để định danh sản phẩm thương mại cũng đủ để Cục không cho phép đặt “lon” cạnh “Việt Nam”. Mà không cần nói thêm: “Hãy giả sử nếu người ta thêm dấu, thêm mũ vào cho từ đó…”. Nhưng bà Cục trưởng đã nói và gây ra một cơn bão quanh cái lon.

Hành động kịp thời của Cục được đa số hoan nghênh, đồng tình. Nhưng dân tình đâu dễ buông tha cho kiểu đối xử không bình đẳng với các yếu tố ngôn ngữ. Nếu cứ theo phương pháp “giả sử” kia thì người ta đâu chỉ thêm mà còn có thể bớt dấu, mũ thậm chí cả chữ cái khiến cho bất cứ từ nào cũng trở nên nhạy cảm, cần loại bỏ khỏi phạm vi công cộng?!

Đã có những ví dụ cho thấy sự nhạy cảm thái quá trong sử dụng ngôn từ. Hàng chục năm liền mọi người vẫn hát “Buổi sáng em làm rẫy…” (bài Bóng cây K’nia- Phan Huỳnh Điểu phổ thơ Ngọc Anh). Đùng cái một nữ ca sĩ “phát hiện” ra từ “buổi” khi hát lên lại gợi đến từ chữ khác. Tất cả những người hát sau đó nhất loạt chuyển sang “Trời sáng em làm rẫy…” trong khi vẫn giữ nguyên câu sau “buổi chiều mẹ lên rẫy” cho đến nay. Tôi không khỏi tò mò khi hát “trời” thì người hát có còn nghĩ đến cái chữ gốc đã bị làm cho biến dạng và mất dạng kia không. Tóm lại là dù hát từ gì thì cái chữ mà người ta nghĩ có nguy cơ thành tục  kia vẫn lởn vởn trong đầu những người đã bị nó “đầu độc” mà thôi. Vậy tốt nhất hãy tôn trọng sự nguyên vẹn của tác phẩm. Nhạc sĩ Lê Vinh từng thắng trong vụ kiện liên quan tới một từ trong bài của ông bị hát sai cơ mà.

Ngôn ngữ không thể khiếu kiện con người nhưng không có nghĩa là tha hồ muốn áp bức chúng thế nào cũng được. Luật sư Phạm Duy Khương dẫn câu chuyện về FUCT- nhãn hiệu quần áo bị cơ quan cấp phép Mỹ từ chối vì gây liên tưởng đến từ chỉ hành động giao hợp. Chủ nhãn hiệu không chịu, đưa vụ việc ra tòa và cuối cùng được Toà tối cao Mỹ chấp thuận. Kết luận của Tòa: Cơ quan chức năng không nên áp dụng quan điểm chủ quan để quyết định số phận nhãn hiệu dựa trên những gì họ tự cho là quá “tai tiếng” và “vô đạo đức”.

Còn ở Anh, hãng FCUK vẫn tồn tại gần nửa thế kỷ nay. Mà tiếng Anh chẳng có dấu thanh nên cái sự gợi nó còn lồ lộ hơn tiếng Việt nhiều.