> Xăng giảm giá 1.500 đồng, taxi mới hạ cước
> Giảm giá xăng dầu... niềm vui chưa trọn vẹn
Chưa có kết quả cuối cùng
Theo ông Lê Minh Khái, Phó tổng KTNN, kết quả kiểm toán việc hình thành và sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu tại Petrolimex và 10 doanh nghiệp kinh doanh đầu mối xăng dầu hiện tại vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Việc công bố kết quả sẽ được thực hiện ở các mức độ khác nhau tùy thuộc vào tính chất và mức độ quan trọng của thông tin.
Tùy vào mức độ, có thể kết quả kiểm toán sẽ chỉ được công bố tại đơn vị được kiểm toán hoặc trên website của KTNN hoặc qua họp báo công khai theo quy định tại Nghị định 91, về công khai kết quả kiểm toán.
“Trường hợp chưa công khai được sớm, kết quả về kiểm toán quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ được công bố trong Báo cáo kiểm toán năm 2011 về niên độ báo cáo ngân sách 2010 và chậm nhất là đến tháng 7 hoặc tháng 8-2012 sẽ được công bố”- Ông Khái nói.
Bỏ độc quyền đầu vào
Thực tế cho thấy không phải không có cơ sở để nghi ngờ việc mập mờ giá xăng dầu khi ngay cả các doanh nghiệp đầu mối cũng tỏ ra ngạc nhiên với quyết định giảm giá xăng 500 đồng/lít mới đây. Đại diện Công ty TNHH một thành viên Dầu khí Sài Gòn (Saigon Petro) khi trả lời báo chí đã bày tỏ “ngạc nhiên” khi cho rằng cơ sở để giảm giá theo cách tính hiện hành của Bộ Tài chính là không có.
Để giảm giá theo quyết định của Bộ Tài chính, doanh nghiệp sẽ phải giảm chiết khấu cho đại lý để thực hiện việc giảm giá. Còn đại diện Petrolimex cho biết phải chấp hành quyết định giảm giá trên.
Trao đổi với PV Tiền Phong bên lề cuộc họp, ông Mai Xuân Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Ủy ban Kinh tế cũng đã kiến nghị cần đưa giá xăng dầu điều chỉnh đúng theo giá thị trường và xoá bỏ cơ chế độc quyền xăng dầu đầu vào. Cách áp dụng hỗ trợ cho giá xăng dầu trong nước như hiện nay không ổn do vô tình hỗ trợ cho cả Lào, Campuchia và một số nước khu vực Đông Nam Á, vì xuất lậu do chênh lệch giá.
Với những đối tượng cần thiết được hỗ trợ như sản xuất nông nghiệp, sản xuất máy móc hay đánh cá… có thể được nhận hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt chứ không áp dụng trợ giá như hiện nay. Sắp tới giá điện cũng sẽ làm như vậy.
Theo ông Hùng, việc sử dụng việc áp tính giá theo quy định bình quân 30 ngày là chưa ổn. Bản thân Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) có lúc nhập được vào thời điểm này, có lúc nhập vào thời điểm kia, nên việc điều chỉnh giá không phải cứ tính theo giá quốc tế bình quân 30 ngày được.
Có khi hàng đang trên đường về, đã ký với giá cao, nhưng khi về đến nơi thì giá lại hạ. Vì vậy để làm rõ mức giá, phải xác định được thời gian trung chuyển trên đường đi của dầu từ khi mua đến lúc về cũng như giá tại thời điểm nhập.
“Bản thân nền kinh tế hiện nay chưa làm được nhưng sắp tới có thể sẽ xoá bỏ quỹ bình ổn xăng dầu hoặc không để quỹ nằm trong doanh nghiệp như hiện nay. Nhà nước sẽ trực tiếp quản lý quỹ và thậm chí phải tách ngay từ đầu trong giá bán theo giá thị trường để lập quỹ. Cách gọi tên quỹ cũng nên thay bằng quỹ hỗ trợ để hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng nói trên”-Ông
Hùng nói.
Kết quả kiểm toán giá thành điện: Chờ
Bên cạnh việc minh bạch giá xăng dầu, nhiều ý kiến đề nghị công bố kết quả kiểm toán Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), kết quả kiểm toán cơ cấu giá điện cũng như thực hư về việc trích trả lương thưởng cho các lãnh đạo EVN, trong đó có người được hưởng số tiền lương, thưởng lên tới hơn 1,7 tỷ đồng/năm cũng được đặt ra với đại diện KTNN.
Tuy nhiên, ông Khái cũng chỉ nói chung chung: “KTNN đã triển khai kiểm toán EVN từ tháng 4. Hiện đã có kết luận tại đơn vị được kiểm toán nhưng chưa công bố kết quả kiểm toán. Kết luận thì chúng tôi đã công khai tại đơn vị. Đang trong giai đoạn phát hành nên cho phép chúng tôi hoãn lại để khi có điều kiện đầy đủ sẽ trả lời. Báo chí quan tâm có thể yêu cầu đơn vị được kiểm toán cung cấp số liệu. Còn số liệu chính thức có thể công bố chậm nhất vào tháng 8 năm sau”.
Trao đổi với Tiền Phong về thông tin mức lương thưởng khủng trên, một lãnh đạo EVN cho biết: “Mức thu nhập của một lãnh đạo chỉ ở mức vài chục triệu đồng/tháng. Mức thưởng với các chức danh lãnh đạo cũng không cao và không thể đạt được mức lương thưởng như trên”.
Tổng Cty Bưu chính VN lỗ 1.026 tỷ đồng
Theo kết quả kiểm toán năm 2009 của 27 doanh nghiệp nhà nước gồm 24 tập đoàn, tổng công ty và 3 công ty nhà nước độc lập cho thấy: 24/27 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn. Một số đơn vị còn thua lỗ là Tổng Cty Lắp máy Việt Nam, lỗ 103 tỉ đồng; Tổng Cty Sông Hồng lỗ 20,641 tỉ đồng và Tổng Cty Bưu chính Việt Nam lỗ 1.026 tỉ đồng.