Minh bạch giá điện để dân giám sát

TP - Nhiều kiến nghị, băn khoăn, bức xúc trước những vấn đề kinh tế xã hội đã được cử tri quận 4 bày tỏ khi tiếp xúc với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 1 TPHCM ngày 3/12.

> EVN thu hơn 7 tỷ USD tiền bán điện

Nhiều cử tri cho rằng, tình trạng tham nhũng, thua lỗ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tác động tiêu cực của thủy điện đang làm tổn thương niềm tin của người dân.

Cử tri Nguyễn Vinh Ngọc (phường 4) bức xúc: Nhiều chuyện rất “đại sự” nhưng các vị lãnh đạo ngành trả lời lòng vòng cho hết thời gian, nội dung không đến nơi đến chốn, như vấn đề thủy điện và lũ lụt miền Trung, tình trạng lãng phí, tham nhũng, y đức xuống cấp...

 Nhiều vấn đề nóng như chạy chức, chạy quyền, cán bộ trạm CSGT Dầu Giây đánh nhau, tội phạm hoành hành… Tại sao Bộ trưởng Công an không đăng đàn trả lời cho dân biết?

Cử tri Nguyễn Vinh Ngọc (phường 4)

“Thủy điện tưởng có hiệu quả nhưng hiệu quả đâu không thấy, chỉ thấy dân vùng hạ lưu điêu đứng vì thủy điện xả lũ. Người dân ngày nào cũng bị ngành điện hăm dọa tăng giá điện. Có phải vốn đầu tư vào thủy điện là lãng phí, kém hiệu quả? Nguyên nhân những lãng phí này là do ai? Có phải do những nhóm lợi ích thao túng, lũng đoạn cơ chế chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Quốc hội cần nghiên cứu, chấn chỉnh, nếu không công nợ càng ngày càng đè nặng lên vai người dân”, ông Ngọc nói.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch, Quốc hội đã yêu cầu ngành điện minh bạch toàn bộ chi phí, không có chuyện xây biệt thự rồi tính vào giá điện như dư luận quan ngại. Dứt khoát phải hướng tới cơ chế thị trường. Đơn cử chủ trương xây dựng giá điện, không có chuyện bù lỗ cho giá điện mà bù lỗ cho các hộ gia đình bởi giá đầu vào là giá quốc tế. Bù là bù cho đối tượng chính sách và minh bạch toàn bộ chi phí để dân giám sát.

“Sẽ có cơ chế minh bạch và quy trách nhiệm rõ ràng để phòng chống tham nhũng thông qua những chế định về luật. Muốn chống được tham nhũng phải chống từ gốc, phải đi vào đổi mới thể chế pháp luật, không để lỗ hổng có quá nhiều cơ hội tham nhũng. Còn đối với những đại án tham nhũng thì chắc chắn phải xử nghiêm, tội đâu xử đến đó để làm gương cho những người khác”, ông Lịch khẳng định.

Chưa đánh đuổi được giặc “nội xâm”

Cử tri Nguyễn Văn Thắng (phường 13) nói: “Kết quả phòng chống tham nhũng, tôi thấy không bằng lòng, không vui. Con cháu chúng ta sẽ sống như thế nào khi xã hội hiện có quá nhiều bất an. Phụ nữ ra đường không dám đeo bông tai, dây chuyền kể cả ban đêm lẫn ban ngày. Ngoại xâm chúng ta đánh được mà “nội xâm” không đánh được là quá kém”.

Cử tri Phan Ngọc Tuyết (phường 4) cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng chưa tốt, phòng ít mà chống cũng chưa được bao nhiêu.

Tôi tha thiết được nhìn thấy những hành động cụ thể chống tham nhũng mạnh mẽ từ lãnh đạo Đảng và Chính phủ. Trong phiên chất vấn của Quốc hội, Thủ tướng chưa trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) là đã cắt bỏ được bao nhiêu ung nhọt tham nhũng. Hôm nay, tôi muốn có câu trả lời”, bà Tuyết nói.

 Tôi cũng rất trăn trở nhưng không phải cái gì cũng làm được. Để chỉ ai cụ thể tham nhũng thì chỉ không ra. Muốn nói ai tham nhũng thì phải chứng minh chứ mình không thể nói suông được

Ông Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM

Thay mặt tổ đại biểu Quốc hội, ông Trần Du Lịch nói: “Không phải Thủ tướng không trả lời mà vì hết thời gian chất vấn nên ông chưa kịp trả lời. Thủ tướng đã hứa sẽ trả lời và đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ”. Ông Lịch cho biết, Nhà nước sắp ban hành đạo luật quản lý vốn nhà nước trong các tập đoàn, tổng công ty. Thời gian tới, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty sẽ thu hẹp, không dàn trải, tập trung vào phục vụ mục tiêu kinh tế - xã hội, các nhiệm vụ công.

Về tình trạng tiêu cực, đầu tư tràn lan dẫn đến thua lỗ tại nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ông Lịch thừa nhận cơ chế quản lý giám sát vừa qua còn quá lỏng lẻo.

“Tập đoàn được tự quyết các khoản đầu tư rất lớn. Từ đó mới sinh chuyện tập đoàn Vinashin đi mua tàu Hoa Sen dẫn đến thua lỗ”, ông Lịch nói.

Theo Báo giấy