"Mẹo" làm tốt bài thi môn Văn, Ngoại ngữ

TPO - Trong khi Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung lưu ý, thí sinh nên áp dụng chiến thuật "rút xương cá" khi viết văn thì Tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh khuyên thí sinh nên phân bổ thời gian hợp lý khi làm bài thi ngoại ngữ.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung - Giáo viên Ngữ Văn, trường THPT chuyên ngữ - Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội: Tài liệu tham khảo ôn tập môn Văn hiện rất nhiều. Trong số đó, có những vấn đề còn gây tranh cãi như: Ngày sinh của nhà văn Nam Cao, vở kịch “Hồn trương Ba da hàng thịt” được viết năm nào... Nếu kiến thức chưa thống nhất, thí sinh nên sử dụng số liệu từ sách giáo khoa.

Điểm quan trọng nhất của môn Văn là nhớ được kiến thức, chỉ cần dựa vào tác phẩm, nhớ tác phẩm là làm bài tốt.

Học sinh có thể tham khảo phương pháp “rút xương cá”: Học Văn theo cách sơ đồ hóa. Mỗi bài, học sinh chỉ cần nhớ năm chữ và trong khoảng 10 phút có thể nhớ hết toàn bộ kiến thức môn Văn.

Ví dụ, khi phân tích tính sử thi của tác phẩm “Rừng xà nu”, theo tôi, các em chỉ cần nhớ bốn từ: Chủ - Cốt - Hình - Giọng (Chủ đề, cốt truyện, hình tượng và giọng điệu sử thi trong tác phẩm).

Nếu vận dụng được phương pháp “rút xương cá” một cách hiệu quả, sẽ không bị mất các ý môn Văn và việc đạt điểm 8, hay 9 không phải "bất khả thi".

Hay, phân tích hình tượng sóng trong bài “Sóng” của Xuân Quỳnh, các em chỉ cần nhớ bốn chữ: “Phức - Trăn - Khắc - Khát” (tâm trạng phức tạp, trăn trở, khắc khoải và khát khao của người phụ nữa đang yêu). Từ đó, phát triển ý của bài văn.

Đây là năm đầu tiên có kiểu đề mới nghị luận xã hội và thường học sinh kêu “khô”. Tuy nhiên, quan trọng là phải đọc đề kỹ, hiểu chính xác vấn đề, trả lời đúng, sâu vào trọng tâm câu hỏi.

Thí sinh không nên dẫn dắt vòng vèo, lan man, mất thời gian và gây ức chế cho người chấm.

Môn Anh văn: Phân bố thời gian hợp lý

Tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Quốc Gia Hà Nội: Làm bài thi môn ngoại ngữ, thí sinh không nên dừng lại ở một câu quá lâu. Câu nào chưa chắc chắn, hãy bỏ qua, quay lại giải quyết sau.

Tốt nhất, các em nên chia mỗi câu làm trong một phút. 10 phút cuối, thí sinh chuyển hết các câu tích trong đề sang phiếu trả lời. Nhớ là không bỏ sót câu trả lời của bất cứ câu hỏi nào.

Khi sắp hết giờ mà định thay đổi đáp án, thí sinh nhớ tẩy bỏ kết quả tô trước để tránh một câu có hai đáp án, máy sẽ tính câu đó bị sai.

Thí sinh có thể dùng phương pháp loại dần các yếu tố không phù hợp với yêu cầu của đề trước khi chọn đáp án. Cố gắng không bỏ câu nào, nếu không chắc cũng cứ chọn đáp án nghĩ là hợp lý nhất. 

Phần đọc hiểu có tới 40 câu hỏi của đề thi, vì thế rất quan trọng. Thông thường, phần đọc hiểu thường yêu cầu thí sinh tự tìm từ (hoặc chọn từ cho sẵn) điền vào chỗ trống. Với phần đọc hiểu, các em cần đọc kỹ, từ nào không biết thì nên đoán theo mạch văn chứ không cần hiều nghĩa của cả đoạn văn bản.

Tối 7/7, chương trình tư vấn, hỗ trợ mùa thi nhằm giảm căng thẳng cho thí sinh do trung tâm Hỗ trợ sinh viên tổ chức, diễn ra tại Ký túc xá Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Hàng chục chuyên gia tư vấn cho thí sinh về những vấn đề: Giải tỏa stress, hướng dẫn cách làm bài thi hiệu quả...