Máy bay không người lái và tham vọng của ông lớn Facebook

TPO - Facebook vừa công bố nhiều chi tiết về chiếc máy bay không người lái có khả năng mang kết nối Internet tới 4 tỷ người không thể kết nối trên thế giới mà hãng này đang phát triển. 

Hình ảnh nguyên mẫu của chiếc máy bay không người lái chạy bằng năng lượng mặt trời này cũng được Facebook chia sẻ. 

Theo giám đốc công nghệ của Facebook, ông Mike Schroepfer, thiết kế cuối cùng của nguyên mẫu máy bay không người lái hình chữ V của Facebook sẽ có sải cánh lớn hơn sải cánh của chiếc Boeing 737 nhưng trọng lượng chỉ nhỉnh hơn một chiếc xe hơi nhỏ.

Trên trang cá nhân, Mark Zuckerberg nhà sáng lập Facebook đã xác nhận nguyên mẫu chiếc máy bay không người lái này đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên tại Anh.

"Nó sẽ được trang bị những tấm pin mặt trời trên đôi cánh nên nó có thể bay liên tục nhiều tháng trên độ cao gần 20 km trong nhiều tháng", Zuckerberg chia sẻ.

"Những chiếc máy bay như thế này sẽ giúp kết nối toàn thế giới với nhau bởi nó có thể mang Internet tới cho 10% dân số thế giới sống tại các vùng hẻo lánh, nơi không có kết nối Internet".

“Trong nỗ lực kết nối toàn thế giới với Internet, chúng tôi rất vui mừng thông báo đã thực hiện thành công chuyến bay thử nghiệm ở Anh” - Mark Zuckerberg viết trên Facebook cá nhân ngày 26-3.

Với các tấm pin mặt trời gắn trên cánh, máy bay có thể đứng yên ở độ cao hơn 1,8km trong vài tháng để “mang Internet từ trên trời cao” đến với khoảng 4 tỉ người hiện vẫn chưa có Internet, theo ông chủ Facebook.

Máy bay mẫu được dùng để thử nghiệm được đặt tên mã Aquila, tức thiên ưng mang lưỡi tầm sét của thần Jupiter trong thần thoại Hy Lạp, theo trang Mashable.

Đây là những thành quả đầu tiên trong kế hoạch mang tên Internet.org được hãng công bố năm ngoái, bao gồm việc phát triển máy bay không người lái, vệ tinh và tia laze để mang Internet đến cho mọi người.

Dự án Internet.org hiện đang phủ sóng Internet miễn phí đến Columbia, Ấn Độ và bốn quốc gia châu Phi. 

Cuộc đua kinh doanh

Google và Facebook đang có tham vọng kinh doanh máy bay không người lái?  Không, thực chất, hai đại gia công nghệ này đang nỗ lực đưa Internet đến toàn cầu bằng máy bay không người lái, đặc biệt là những khu vực vùng sâu vùng xa có chi phí hạ tầng đắt đỏ. 

Còn nhớ, Titan Aerospace là nhà phát triển máy bay không người lái chạy bằng năng lượng mặt trời, có thể bay ở độ cao 65.000 feet trong 5 năm liền mà không hạ cánh. Với năng lực này, Titan Aerospace có sức hút mạnh mẽ với những công ty đang đầu tư mạnh mẽ cho tương lai như Google hay Facebook. Và cuối cùng, Titan Aerospace đã được Google thâu tóm.

Không chấp nhận bị bỏ ngoài cuộc chơi, Facebook đã mua lại đối thủ của Titan Aerospace là hãng Ascenta. Có lẽ sẽ nhiều người tự hỏi, tại sao hai trong số những công ty Internet lớn nhất thế giới lại muốn sở hữu hạm đội máy bay không người lái? Câu trả lời nằm ở mạng lưới Internet toàn cầu,.

Cuộc chiến giữa Google và Facebook sẽ mang mạng lưới internet đến với toàn cầu.

Project Loon là bước đầu tiên của Google trong việc tạo ra mạng internet toàn cầu. Sử dụng khí cầu chuyên dụng lơ lửng trong tầng bình lưu, Google đang cố gắng cung cấp Internet băng thông rộng tại những khu vực vẫn chưa được kết nối, mà không cần lắp đặt cáp, vì chi phí cơ sở hạ tầng đắt đỏ là một trong những yếu tố lớn nhất khiến Internet chưa đến được những nơi này. Project Loon đã thành công trong các thử nghiệm ban đầu, nhiều nơi ở New Zealand đã có thể truy cập Internet từ các quả khí cầu.

Trong khi đó, được thành lập vào năm 2013 và được hỗ trợ bởi một liên minh các công ty như Samsung, Nokia, và Facebook, Internet.org đã cố gắng “kết nối 5 tỷ người tiếp theo”.

Để đạt mục tiêu kết nối thế giới, Internet.org đã tạo ra dự án The Connectivity Lab tại Facebook, nhằm phát triển các công cụ và "khai thác một loạt các công nghệ, bao gồm máy bay có khả năng bay cao và bay lâu, vệ tinh và laze” – đây là những công nghệ cần thiết để giúp việc truy cập Internet chi phí thấp và khả thi trên toàn thế giới.

Việc mua lại Ascenta là một phần không thể thiếu của The Connectivity Lab, vì các thành viên của The Connectivity Lab là những người đã làm việc về Zephyr - một máy bay không người lái chạy bằng năng lượng mặt trời có thể bay trong 2 tuần.

Trên 2 tỷ người chưa có Internet nghĩa là 4 tỷ người đó là những khách hàng tiềm năng của Facebook và Google. Google và Facebook đã có trên 1 tỷ người dùng. Trong thực tế, 44% người dùng internet đã có tài khoản Facebook và họ sử dụng hàng tháng.

Nếu tỷ lệ này vẫn duy trì, và Facebook có thể kết nối 5 tỷ người nữa, họ sẽ có trên 3 tỷ người dùng – 3 tỷ người dùng sẵn sàng đưa thông tin của họ lên Facebook, để Facebook dễ dàng bán quảng cáo. Đây là một cơ hội không thể bỏ qua, dù mạng xã hội này có phải làm một việc kỳ lạ như là mua lại một công ty máy bay không người lái – ban đầu nghe chẳng có gì liên quan đến mạng xã hội.

Trong khi đó, Google xem Facebook là một mối đe doạ lớn và thực sự đáng sợ. Facebook đã trở thành một thế lực công nghệ mới nhất, thâu tóm những công ty hứa hẹn nhất như Google từng làm trong những năm trước – nhưng không hề sáp nhập các công ty này vào Facebook mà vẫn giữ chúng độc lập (như Instagram, WhatsApp, Oculus VR), một thói quen mà Google đã làm và áp dụng (như với Motorola, Nest).

Google và Facebook đang chiến đấu với nhau để giành thông tin của bạn. Google xây dựng hệ thống tìm kiếm. Facebook có các hồ sơ. Google tạo ra Goolge+, Facebook phát triển công cụ tìm kiếm riêng. Google có Hangouts. Facebook có Messenger. Cuộc chiến tranh giành thông tin người dùng là mục tiêu chính của hai công ty này trong gần 1 thập kỷ qua.

Google và Facebook cũng có hàng tấn tiền để thực hiện cuộc chiến của họ. Nhưng có lẽ, điều quan trọng nhất và đáng lưu ý nhất, đó là lần đầu tiên, cuộc chiến giữa hai thế lực đa quốc gia lớn nhất thế giới này có thể mang lại lợi ích cho người dùng. Một mạng lưới internet toàn cầu đang là giải thưởng tuyệt vời cho tất cả mọi người, cả Google, cả Facebook và cả người dùng.