Máy bay hạ nhầm đường băng tại Cam Ranh: Không xảy ra hậu quả nhờ may mắn

TPO - Tổ điều tra sự cố đã làm việc với các bên liên quan ngay trong ngày nghỉ lễ, bao gồm cơ quan quản lý bay, hãng hàng không và doanh nghiệp quản lý sân bay Cam Ranh. Đây được coi là sự cố nghiêm trọng, không xảy ra hậu quả lớn nhờ may mắn.
Ảnh: Vietnam Airlines

Trao đổi với Tiền Phong, ông Hồ Minh Tấn, Tổ trưởng Tổ Điều tra sự cố hạ nhầm đường băng tại sân bay Cam Ranh của Cục Hàng không cho hay, ngay trong sáng 30/4, ông và các thành viên đoàn kiểm tra đã có mặt tại Cam Ranh để kiểm tra hiện trường và làm việc với các bên liên quan. Tổ điều tra

Để làm rõ sự cố này, tổ điều tra sẽ làm việc với các bên liên quan gồm tổ lái máy bay của Vietnam Airlines, cơ sở điều hành bay của Tổng công ty Quản lý bay và đơn vị đầu tư, khai thác, quản lý xây dựng đường băng mới tại Sân bay Cam Ranh (thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam).

Vietnam Airlines cho hay, ngay sau khi sự việc xảy ra Hãng đã đình chỉ tổ bay, yêu cầu giải trình, thành lập ngay đoàn công tác vào Cam Ranh để đánh giá sự việc và kiểm tra tình trạng máy bay, đồng thời hợp tác chặt chẽ với Cục Hàng không Việt Nam và các cơ quan đơn vị chức năng liên quan để điều tra, làm rõ nguyên nhân sự việc. 

Lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cho biết, Tổng công ty cũng đã cử người vào Cam Ranh để làm việc với tổ điều tra sự cố. "Vì sân bay Cam Ranh chỉ có một đường cất hạ cánh được cấp phép, còn đường băng kia đang xây dựng, chưa được cấp phép nên không thể có việc ra huấn lệnh hạ cánh nhầm. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hợp tác, để tổ điều tra của Cục công bố chính thức" - đại diện Tổng công ty quản lý bay cho hay.

Như Tiền Phong đưa tin, chuyến bay VN7344 khai thác bằng tàu bay Airbus A321, số hiệu VN613 khởi hành từ TP Hồ Chí Minh đã hạ cánh lúc 14h53 ngày 29/4 xuống sân bay Cam Ranh trên đường cất hạ cánh mới, chưa đưa vào khai thác.

Sau khi hạ cánh, toàn bộ 203 hành khách cùng phi hành đoàn trên chuyến bay đều an toàn và được phục vụ, vận chuyển vào nhà ga sân bay Cam Ranh bình thường cùng hành lý và hàng hóa.

Cơ trưởng chuyến bay là phi công quốc tịch Mỹ, làm việc cho Vietnam Airlines từ tháng 1/2018.
Tàu bay Airbus A321 số hiệu VN613, mã nhà sản xuất 6748, được tiếp nhận ngày 26/8/2015, lần bảo dưỡng gần nhất ngày 9/3/2018.

Theo những người công tác trong ngành hàng không, đây là sự cố đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa có hậu quả là nhờ vào may mắn. Đơn cử, với ngành hàng không, đường băng yêu cầu không được xuất hiện các vật ngoại lai để tránh bị rách lốp, nổ lốp (để đảm bảo an toàn, đơn vị khai thác sân bay phải có người hoặc máy móc thường xuyên phát hiện và dẹp bỏ các vật ngoài lai). Tuy nhiên, với đường băng mới với nhiều vật dụng có thể chưa được dẹp bỏ sẽ là một nguy cơ nổ lốp khiến máy bay không thể kiểm soát khi đang hạ cánh với tốc độ cao. Chưa kể, các vật ngoại lai có thể băng vào động cơ gây cháy nổ. 

Gần đây, Cục Hàng không liên tục phản ánh và khuyến cáo khắc phục tình trạng mỗi tháng xảy ra chục vụ vật ngoại lai cứa lốp máy bay tại các sân bay Việt Nam. 

Báo cáo về ATGT của Uỷ ban ATGT quốc gia cũng điểm sự cố này trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ ngày 30/4.