Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh cho hay, máy bay Boeing 727 của Campuchia mang thương hiệu Air Dream (giấc mơ bay) bị “bỏ rơi” 10 năm ở sân bay Nội Bài - Hà Nội, đã hết khả năng bay và không thể khôi phục để phục vụ hàng không.
Trong khi đó, lãnh đạo một công ty chuyên về kỹ thuật máy bay cũng đánh giá, máy bay Boeing 727 thuộc dòng máy bay “đồ cổ”, hầu như không còn hãng hàng không nào trên thế giới sử dụng nên giá trị khai thác không thể tính đến.
Cũng theo chuyên gia kể trên, việc "mổ" máy bay Boeing 727 để lấy phụ tùng sử dụng cho tàu bay khác, cũng không khả thi bởi dòng máy bay này đã cũ. Quan trọng hơn, các quy định về kiểm soát phụ tùng của hàng không rất chặt chẽ không cho phép sử dụng phụ tùng không được quản lý. Trong khi tàu bay để 10 năm không bảo dưỡng, quản lý.
“Chỉ có thể dùng máy bay này làm mô hình trưng bày, đào tạo, làm quán cà phê, nhà hàng. Nếu không thì chỉ có thể làm sắt vụn…”, ông này nói.
Ông này cho hay, nếu giá đấu của máy bay Boeing 727 hợp lý, công ty của ông cũng sẽ tính đến phương án mua về rồi sơn lại, trưng bày tại công ty.
Về ý tưởng mua máy bay Boeing 727 về làm quán cà phê, nhà hàng… , luật sư Phạm Văn Phất (Văn phòng luật sư An Phát Phạm) cho rằng hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, người mua cần nghiên cứu kỹ các quy định liên quan như làm sao có thể vận chuyển được một tàu bay lớn như vậy trên đường giao thông; có đủ khoảng đất phi nông nghiệp rộng để đặt máy bay lên.
Nói về đề nghị của Học viện Hàng không Việt Nam xin chiếc máy bay vô chủ này để làm giáo cụ thực hành, hoặc sử dụng như mô hình để diễn tập an ninh hàng không của cơ quan Nhà nước, luật sư Phất cho rằng quyền quyết định của cơ quan Nhà nước.
“Nhà nước có thể quyết định cấp cho cơ sở Nhà nước để phục vụ lợi ích Nhà nước. Nếu là cơ sở đào tạo có thu, họ có thể tự bỏ tiền ra mua để đào tạo học viên” – Luật sư Phất nói.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo xác lập quyền sở hữu Nhà nước và phương án xử lý đối với máy bay Boeing 727 - 200 của Campuchia bị bỏ tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài - Hà Nội từ năm 2007 đến nay. Đơn vị trực tiếp thực hiện bán đấu giá chiếc máy bay là Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - Bộ Giao thông vận tải.
Hiện chưa rõ mức giá khởi điểm (Bộ GTVT đề nghị ACV thuê công ty thẩm định giá độc lập), tuy nhiên, khoản chi phí sân đỗ của máy bay tại sân bay Nội Bài đã lên tới hơn 10 tỷ đồng.
Trước đó, từ tháng 5/2007, tàu bay Boeing B727-200 mang tên Air Dream thuộc Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (RKA), quốc tịch Campuchia, khai thác tuyến Hà Nội - Siem Reap - Hà Nội đỗ lại sân bay quốc tế Nội Bài vì gặp sự cố. Năm 2008, Tiền Phong có nhiều bài viết về chiếc máy bay bị bỏ rơi này.
Cục Hàng không cũng nhiều lần trao đổi với đại diện của hãng Royal Khmer Airlines về việc khắc phục sự cố và di dời tàu bay. Tuy nhiên, hãng này không thực hiện cũng như không có liên hệ nào.
Ủy ban Nhà nước về hàng không dân dụng của Campuchia sau đó thông báo: Giấy chứng nhận khai thác của hãng hàng không Royal Khmer Airlines đã bị thu hồi, tàu bay B727-200 này bị xóa đăng ký quốc tịch Campuchia, Cục hàng không Việt Nam có thể xử lý tàu bay này theo pháp luật Việt Nam.