“Không tìm được con, chết tôi khó nhắm mắt”
Từ ngày ông Triển mất tích, họ hàng cũng như chính quyền địa phương đã cố gắng tìm kiếm nhiều nơi nhưng không hề có bất kỳ tung tích nào. Cụ Nguyễn Xuân Quảng (bố đẻ ông Triển) năm nay đã 81 tuổi, từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như chiến đấu tại chiến trường miền Nam. May mắn hơn nhiều đồng đội của mình khi được trở về với gia đình, quê hương, tuy mang trên người gần 20 vết thương nhưng đến nay cụ vẫn còn minh mẫn. Cụ Quảng nói: “Tôi và bà nhà đã ở cái tuổi gần đất xa trời, nguyện vọng cuối cùng của chúng tôi là mong cơ quan chức năng có câu trả lời chính xác và trung thực nhất về số phận của con trai tôi. Trước kia tôi cũng cố gắng đi tìm nó nhưng giờ yếu quá rồi…”.
“Trước kia ông nhà tôi đi đánh trận, tôi lo lắng, mong mỏi như thế nào thì bây giờ tôi cũng lo cho thằng út (tức ông Triển - PV) như vậy! Ai đời giờ là thời bình mà không biết con mình còn sống hay chết? Nếu không biết được chắc lúc chết tôi cũng không nhắm mắt”.
Cụ Nguỵ Thị Đính
(mẹ ông Triển)
Bà Ngụy Thị Vuông (46 tuổi, vợ ông Triển) kể lại: “Tôi tưởng chồng mình đi làm ăn xa nên đã cùng họ hàng đi tìm kiếm khắp trong Nam ngoài Bắc nhưng vẫn “bặt vô âm tín”. Từ ngày chồng tôi mất tích đầy bí ẩn, gánh nặng gia đình đè nặng lên đôi vai tôi, khó khăn gấp trăm bề. Ngày nào tôi cũng hy vọng chồng trở về, nhưng càng chờ đợi, tôi lại càng thêm thất vọng”.
“Một mình tôi làm ở công ty may, lương chỉ vài triệu bạc nên tranh thủ những lúc nhàn rỗi, tôi lại đi bốc vác, phụ hồ, làm ô sin... để kiếm tiền cho con ăn học. Hiện tại, gia đình tôi chỉ biết làm đơn kêu cứu các cơ quan chức năng có thẩm quyền, hy vọng sẽ tìm được ra manh mối về chồng tôi”, bà Vuông tâm sự.
Anh Nguyễn Văn B. - cháu ông Triển, vốn làm nghề lái xe cho biết: “Chú tôi vốn làm công nhân xây dựng nên suốt 3 năm đầu mất tích, cứ đi đến đâu là tôi phải vào tận các công trường để tìm dù là công trình cầu đường ở các bản vùng núi, vậy mà không thấy tăm hơi chú ấy đâu”.
Kể từ ngày ông Triển mất tích tới nay đã gần 11 năm, các con của ông cũng đã tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định. Những gánh nặng về kinh tế đã được giảm bớt phần nào nhưng áp lực về tinh thần đối với gia đình vô cùng lớn. Cụ bà Nguỵ Thị Đính (mẹ ông Triển) nay đã 83 tuổi nhưng tấm lòng người mẹ chưa bao giờ được thảnh thơi. Cụ nói: “Trước kia ông nhà tôi đi đánh trận, tôi lo lắng, mong mỏi như thế nào thì bây giờ tôi cũng lo cho thằng út (tức ông Triển - PV) như vậy! Ai đời giờ là thời bình mà không biết con mình còn sống hay chết? Nếu không biết được chắc lúc chết tôi cũng không nhắm mắt”.
Mịt mù tung tích
Để tìm hiểu sự mất tích của ông Triển, phóng viên đã có nhiều buổi làm việc với Công an huyện Yên Dũng cũng như Công an tỉnh Bắc Giang. Điều khó khăn nhất là sự việc xảy ra đã lâu, sở dĩ nhiều người còn nhớ được là do hôm ông Triển được “mời” đi làm việc và mất tích đúng ngày hội diễn văn nghệ ở huyện. Những cán bộ công an huyện trực tiếp làm việc với ông Triển hôm đó giờ đã ở những chức vụ khác nhau, có người chuyển công tác. Đội ngũ lãnh đạo cũ của công an huyện cũng đã nghỉ hưu. Tất cả những lý do đó đã khiến việc tìm hiểu tung tích của ông Triển thêm mịt mù.
Ông Hướng Xuân Đĩnh – Trưởng Công an xã Tân An (huyện Yên Dũng), cho biết, hôm 31/5/2005 ông có nhận được điện thoại của ông Nguyễn Xuân Tín, cán bộ công an huyện thông báo đang về mời ông Triển lên UBND xã làm việc. “Hôm đấy, tất cả công an xã đi thi công an giỏi ở công an huyện. Nghe anh Tín điện nên chúng tôi không khóa, mở cửa phòng để cho công an huyện về làm việc với ông Triển. Đến trưa, ông Tín gọi điện cho tôi bảo đã làm việc xong, trả đối tượng về nhà. Chúng tôi trở về xã thì không còn ai ở đây” - ông Đĩnh nhớ lại.
(Còn nữa)