'Mắt biếc' không chỉ là chuyện tình

TP - “Mắt biếc” của Nguyễn Nhật Ánh sắp lên phim. Không ít người hi vọng nó sẽ trở thành một hiện tượng điện ảnh đình đám không kém “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Nhưng ngay cả “Mắt biếc” tiếp tục thành cơn sốt thì nhà văn best-seller khẳng định: Không viết tiếp “Mắt biếc 2”.
Từ trái qua: Đạo diễn Victor Vũ, diễn viên Nguyễn Trúc Anh (vai Hà Lan), nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, diễn viên Trần Nghĩa (vai Ngạn) Ảnh do Nhà sản xuất cung cấp

Bởi “Mỗi tác phẩm đều có số phận của nó. Với một số tác phẩm, nhà văn có thể viết tiếp. Với một số tác phẩm khác thì không. “Mắt biếc” ở trường hợp thứ 2. Nếu tôi viết tiếp câu chuyện “Mắt biếc”, dù có hay hơn cũng là một cách làm hỏng nó”, Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ.

Anh cũng muốn độc giả hiểu “Mắt biếc” xa hơn một câu chuyện tình: “Hà Lan yêu kiều trong mắt một kẻ gắn bó với làng quê như Ngạn còn là hóa thân của cội nguồn quê xứ. Chính những kỷ niệm tươi đẹp của tuổi ấu thơ nơi ngôi làng Đo Đo là sợi dây vô hình trói buộc Ngạn với cô bạn thuở thiếu thời, biến tình yêu của anh thành một “chốn lưu đày”, khiến anh phải mang vác nó như một lời nguyền của số phận. Nếu không có “những trưa nắng giành nhau nhặt thị  rụng trong vườn ông Cửu  Hoành”, “ánh trăng rơi từng giọt vàng xuống giàn hoa thiên lý”, “bóng trăng tuổi thơ treo lơ lửng trên đường làng”, “những cánh chuồn chuồn ngẩn ngơ bay bên hàng giậu đổ” và vô vàn những ám ảnh khác trong tiềm thức, Ngạn sẽ không dính mắc với chuyện tình này dài lâu đến thế”.

Tôn trọng sáng tạo của đạo diễn

Có ý kiến cho rằng: Tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh hay lọt “mắt xanh” của đạo diễn điện ảnh vì bản thân “những đứa con tinh thần” của anh quá “hot”. Nhà văn ăn khách lại không nghĩ vậy: “Tôi chỉ nghe nhiều đạo diễn bảo tác phẩm của tôi có chất điện ảnh. Cũng có đạo diễn bảo trừ bộ truyện “Kính vạn hoa, đa số tác phẩm của tôi không có nhiều kịch tính. Tất nhiên họ cũng nói thêm:  “kịch tính” và “chất điện ảnh” không hoàn toàn đồng nghĩa với nhau. Vì trên thế giới không hiếm những bộ phim giống như những bài thơ. Truyện của tôi hướng đến tuổi thơ và các câu chuyện hầu hết xảy ra ở thôn quê. Có lẽ đề tài đó dễ chạm đến tâm thức của đa số người Việt. Ai cũng có tuổi thơ và tuổi thanh xuân trong ngăn chứa ký ức mình. Bên cạnh những bộ phim éo le, những phim hành động hay hài hước, khán giả cũng có nhu cầu để lòng mình lắng lại trước những thước phim trong trẻo, những hình ảnh gần gũi bình dị có khả năng đánh thức kỷ niệm, giúp họ lên chuyến tàu quay về một thời thơ mộng”.

Một khi đã trao “đứa con tinh thần” cho nhà làm phim, Nguyễn Nhật Ánh hoàn toàn tôn trọng công việc sáng tạo của họ, không muốn gây áp lực hay can thiệp gì vào hoạt động này, “trừ khi tác phẩm điện ảnh đó đi chệch tinh thần hay truyền tải một thông điệp quá khác so với tác phẩm văn học. Tóm lại, tôi chỉ nghĩ một cách giản dị: Từ nguyên liệu của tác phẩm văn học, đạo diễn nhào nặn để làm nên một bộ phim hay đã là thành công rồi. Tôi chỉ mong thế thôi”. Anh hiểu được khó khăn của đạo diễn khi đứng trước một tác phẩm chuyển thể: “Một bên là nghệ thuật của ngôn từ, cho phép độc giả nới rộng bờ cõi tưởng tượng đến vô biên, một bên nỗ lực chinh phục khán giả bằng hình ảnh trực quan, nói cách khác đạo diễn phải tìm cách thuyết phục khán giả chấp nhận nhìn thế giới qua lăng kính của mình. Ngay cách thưởng thức cũng có sự khác biệt rất lớn. Độc giả văn chương có thể hoàn tất cuốn sách trong một giờ, trong một ngày hay trong một tuần. Họ có thể gấp cuốn sách trên tay lại để nghĩ ngợi lan man hằng giờ trước khi đọc tiếp mà không ảnh hưởng gì đến tâm thế thưởng ngoạn. Khán giả điện ảnh không có được sự nhẩn nha đó. Xem phim chỉ cần mất tập trung vài phút là tuột cảm xúc và rơi ra khỏi câu chuyện ngay. Đạo diễn phải chọn cách kể câu chuyện làm sao để lôi kéo khán giả, để thao túng họ trong suốt 90 phút hay  120 phút, buộc họ dán mắt vào màn ảnh không một giây lơi lỏng. Để đạt điều đó, điện ảnh phải có cách kể chuyện đặc thù so với văn chương”.

Sau khi đạo diễn Victor Vũ công bố hai diễn viên chính thủ vai Ngạn và Hà Lan, nhiều tranh luận nổ ra, đặc biệt ở vẻ ngoài của nữ diễn viên sinh năm 1998 Nguyễn Trúc Anh. Không ít ý kiến cho rằng, cô ấy không phù hợp với nhân vật của Nguyễn Nhật Ánh. Nhà văn bày tỏ quan điểm: “Diễn xuất của diễn viên là yếu tố chính tạo nên thần thái của nhân vật chứ không hẳn là ngoại hình. Nếu diễn xuất thần, diễn viên sẽ thuyết phục khán giả rằng mình chính là nhân vật bước ra từ trang sách. Tôi cho rằng chính tài năng của diễn viên chứ không phải vẻ bề ngoài sẽ tác động lên cảm xúc của khán giả. Ngoại hình mới chỉ là nguyên liệu thô, chính tài năng của diễn viên sẽ chưng cất, nâng nó lên thành một biểu tượng”.

“Tình yêu không bao giờ là sự thiệt thòi”

Ngay từ khi “Mắt biếc” ra đời, người hâm mộ đặt câu hỏi: Liệu có bóng dáng của Nguyễn Nhật Ánh trong nhân vật chính, Ngạn. Nguyễn Nhật Ánh khẳng định: “Ngạn không phải là nguyên mẫu của tôi ngoài đời. Nhưng với đề tài về tuổi thanh xuân, được huy động rất nhiều ký ức của người viết, thì không tránh khỏi có những phân mảnh của cuộc đời tác giả. Những phản quang của kỷ niệm vẫn lấp lánh chỗ này chỗ khác”.

Fan của Nguyễn Nhật Ánh dự đoán: “Mắt biếc” lên phim sẽ khiến rạp chiếu phim… lụt nước mắt. Bởi câu chuyện tình đơn phương ám ảnh, cảm động. Không ít fan “Mắt biếc” rút ra kết luận: Yêu đơn phương là sự thiệt thòi. Nguyễn Nhật Ánh nghĩ khác: “Với tôi, tình yêu không bao giờ là sự thiệt thòi, dù là yêu đơn phương đi nữa. Bởi yêu, bản thân nó là sự tự nguyện, là nơi bày biện tất cả những gì đẹp nhất của tâm hồn. Ngay cả khi tình yêu tan vỡ thì tôi vẫn luôn yêu những mảnh vỡ của nó”.

Hai diễn viên chính phim “Mắt biếc”  Ảnh: Internet

“Với tôi, tình yêu không bao giờ là sự thiệt thòi, dù là yêu đơn phương đi nữa. Bởi yêu, bản thân nó là sự tự nguyện, là nơi bày biện tất cả những gì đẹp nhất của tâm hồn. Ngay cả khi tình yêu tan vỡ thì tôi vẫn luôn yêu những mảnh vỡ của nó”. 
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh