Những ngày qua, câu chuyện hy hữu về người mẹ suốt 42 năm nuôi đứa bé bị trao nhầm tại nhà hộ sinh Hàng Bún, Ba Đình, Hà Nội đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Ngay sau khi Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng, phóng viên đã nhận được cuộc gọi từ Trung tâm y tế Ba Đình thông báo, họ đã tìm được 3 nữ hộ sinh năm đó. Phóng viên đã tìm đến gia đình bác sĩ là Trưởng nhà hộ sinh và các đầu mối khác để tiếp tục tìm kiếm manh mối.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, 82 tuổi, là Trưởng nhà hộ sinh hàng bún năm 1974. Tuy sức khỏe còn tốt, nhưng trí nhớ của bà đã giảm sút phần nào. Ký ức của bà về những ca sinh đẻ từ cách đây gần nửa thế kỷ không còn nhiều.
Phóng viên đã kết nối để bà Nguyệt được trò chuyện cùng bà Nguyễn Thị Mai Hạnh hiện đang ở nước ngoài. Cuộc nói chuyện dài hơn 30 phút không có một lời trách móc, chỉ có những giọt nước mắt và sự cảm thông.
“Tôi không trách ai cả, không oán ai cả, tất cả là do không may. Tôi chỉ muốn tìm lại con để bù đắp cho cháu, tìm lại gia đình cho Trang” - Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh - Người mẹ bị trao nhầm con năm 1974 (hiện đang sống tại Vương quốc Anh) nói.
Ngoài bà Nguyệt, Trung tâm y tế quận Ba Đình còn lưu giữ thông tin của 2 nữ hộ lý khác làm việc tại nhà hộ sinh hàng bún năm 1974. Tuy nhiên trong cuộc gặp mặt các cán bộ y tế mới diễn ra, các nữ hộ lý này cũng cho biết, không còn nhớ gì về sự việc trao nhầm con năm đó.
Phòng Tư pháp quận Ba Đình là nơi lưu giữ sổ đăng ký khai sinh của các nhân khẩu thường trú trên địa bàn quận. Cơ quan này cho biết, sẽ nhanh chóng rà soát lại thông tin về địa chỉ và nhân thân của những trường hợp sinh cùng ngày với bà Hạnh.
“Chúng tôi sẽ hết sức tạo điều kiện, tuy nhiên việc tìm hoàn toàn thủ công, chưa có phần mềm, nên cũng mất ít nhất 2 tuần. Bên cạnh đó cũng có những rủi ro, như người sinh không khai sinh ở quận, hoặc là khai sinh ngày khác” - Bà Lê Thị Thu Hà, Phó trưởng Phòng Tư pháp quận Ba Đình, Hà Nội cho biết.