Mặn mà sơn nữ

TP - Trong các cuộc thi nhan sắc, sự xuất hiện hiếm quý của những vẻ đẹp lạ đến từ các buôn làng dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên không ít lần gây ấn tượng thú vị với đông đảo khán giả …
Mẹ Kthe đưa con gái đi thi Hoa hậu

Mắt huyền M’Đrắk

Sơn nữ Tây Nguyên đầu tiên vào tới vòng chung kết hoa hậu quốc gia do báo Tiền Phong tổ chức năm 2000, là H’Nep Kbuôr.

Mắt huyền H’Nep Kbuôr.

Vừa tốt nghiệp trường PTTH dân tộc nội trú N’Trang Lơng ngoại thành Buôn Ma Thuột, cô liền hồi hương về buôn M’găm heo hút giữa núi rừng M’Đrắk.

Sơn nữ Tây Nguyên đầu tiên vào tới vòng chung kết hoa hậu quốc gia do báo Tiền Phong tổ chức năm 2000, là H’Nep Kbuôr.

Nhờ Đoàn trường liên lạc, tích cực vận động, lo đủ trang phục các loại, H’Nep bẽn lẽn đi thi. Da nâu mịn, dáng vóc thon lẳn. Chân dài ngập ngừng giữa sân khấu.

Đôi mắt đẹp mơ màng bối rối trước vạt khán giả điệp trùng, nhan sắc huyền hoặc của H’Nep tựa “con nai vàng ngơ ngác”…

Mười năm sau gặp lại, H’Nep đã là một Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã tự tin, nhưng tình duyên lận đận. Cô chưa lấy chồng, mắt huyền càng vời vợi, đằm sâu...

Nữ chủ tổ ấm Êđê

Trong 21 thí sinh vào chung kết Hoa hậu Việt Nam 2004 ở Tuần Châu, thí sinh Tây Nguyên duy nhất H’Wion Knul gương mặt như khuôn trăng ngời sáng, độc đáo trong trang phục thổ cẩm Ê đê kín đáo nền nã, lối may tạo dáng khít khao lượn sát những đường cong tuyệt đẹp.

H’Wion Knul.

H’Wion Knul trở về vẫn với danh hiệu Á khôi Đắk Lắk, và ngay sau khi tốt nghiệp đại học ngân hàng, đã trở thành nhân viên giao dịch Agribank. Bắt được một tấm chồng Êđê đẹp trai cực kỳ chiều vợ, đúng theo phong tục buôn làng như cô mong ước.

Hoa hậu thân thiện K’The

Năm 2006, Ban đại diện báo Tiền Phong trên địa bàn đứng ra tổ chức cuộc thi Hoa hậu khu vực Tây Nguyên lần thứ nhất. Gần hết hạn nhận hồ sơ dự thi, tôi nhận được một cú điện thoại ngộ nghĩnh từ Lâm Đồng.

Mẹ Kthe đưa con gái đi thi Hoa hậu.

Người gọi hồi hộp cho biết bà tên K’Dốp, giáo viên tiểu học ở xã Gung Ré huyện Di Linh “Con gái tôi đẹp lắm, nó cao hơn một mét bảy, sinh viên năm thứ 2 Đại học Đà Lạt. Tôi muốn đưa nó đi thi mà nhà nghèo quá, làm sao đây cô?”. Sau khi được hướng dẫn cặn kẽ, bà xin nghỉ phép đón xe đò đưa con gái qua Đắk Lắk.

Nhìn thấy K’The, lòng tôi nhẹ hẳn gánh lo khó tìm ra người đẹp xứng đáng trao vương miện. Vui vẻ hồn nhiên nhưng vụng về, được đầu tư tập luyện ngày đêm, qua các vòng thi quy mô, sơn nữ K’Ho đã lần lượt nhận được các danh hiệu: Á hậu I Tây Nguyên 2006, Hoa hậu thân thiện VN 2006, Top 6 Hoa hậu Quý bà Việt Nam 2009.

Tiếng sét ái tình đánh trúng tim anh đạo diễn Việt kiều Đức Đoàn Thành Nghĩa, trong lần anh cùng chị gái - nhà văn Đoàn Minh Phượng đến xem cuộc thi Hoa hậu VN vòng bán kết phía Nam 2006 tại TP Hồ Chí Minh.

Phát hiện vẻ đẹp ngoại hình lẫn tính cách của K’The khá giống nữ minh tinh Angelina Jolie, rất hợp một vai trong dự án phim hai chị em sắp bấm máy. Anh lẽo đẽo theo đoàn thí sinh Tây Nguyên cho tới kết thúc cuộc thi, để về tận quê K’The… xin cầu hôn cô!

Thời gian thấm thoắt, mới đó đã 7 năm trôi qua. Tới nay K’The vẫn chưa đóng phim, dù đã rất thuộc... vai vợ yêu của đạo diễn Đoàn Thành Nghĩa, sau khi kéo anh về Di Linh làm rể, mở trại hoa theo tập quán mẫu hệ “gái bắt chồng” ngàn đời trên Tây Nguyên.

Vẻ đẹp Lạch quyến rũ

Lớn trên từ một cơ sở bảo trợ trẻ mồ côi, cả hai chị em Krajan Jut Jui- Krajan Loen người dân tộc Lạch ở xã Lát, huyện Lạc Dương tỉnh Lâm Đồng đều có tính cách vui tươi, hài hước và giọng hát ấm dày đầy cuốn hút, đều lần lượt dự thi Hoa hậu trong các tuần lễ Festival Hoa của tỉnh Lâm Đồng.

Krajan JutJui (trái) và Krajan Loen.

Bên cạnh cô em Krajan Loen mạnh mẽ nồng nàn đã tốt nghiệp 3 khóa đào tạo trung cấp chuyên ngành Du lịch, nói tiếng Anh như gió, đang công tác tại TP Hồ Chí Minh, và sắp theo một doanh nhân Mexico đi làm dâu tận bên kia bán cầu, cô chị Krajan Jut Jui nhân viên Cty Du lịch Lâm Đồng có cuộc sống bình lặng hơn, dù cô từng dễ dàng gặt hái danh hiệu “Hoa hậu sơn cước VN” đầy sức thuyết phục trước cả rừng người đẹp đủ sắc màu với cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần thứ nhất, tổ chức tại Đà Lạt năm 2007.

Một chiều cuối đông, đôi sơn nữ ríu rít đưa tôi đi khắp xã Lát, rồi dừng bước bên một mặt hồ mênh mông. Hồ cùng tên với làng- Đan Kia, quê nhà của Bonneur Trinh-ca sĩ họa mi Tây Nguyên giờ đã theo chồng sang Pháp định cư. Thảo nguyên bao la dưới chân núi Langbiang này là nơi sinh ra biết bao tài năng âm nhạc và sơn nữ kiều mỵ, mặn mà.

Nhan sắc hồn nhiên tự nó đã là bài ca bất tận, cuốn hút mọi cảm xúc từ trái tim và ánh mắt, chẳng cần nhiều lời…