Ngày vía Thần Tài 10/1 Âm lịch năm nay rơi vào thứ 2 ngày 19/2. Nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình làm kinh doanh buôn bán đã chuẩn bị các mâm cúng với nhiều vật phẩm tươi ngon.
Mâm cúng ngày vía Thần Tài thường có bộ tam sên gồm: Một miếng thịt heo, trứng luộc và tôm (hoặc cua) luộc.
Nhân dịp này, các cửa hàng, đơn vị nấu cỗ đã tung ra nhiều mâm lễ được chuẩn bị cầu kỳ với giá thành từ vài trăm đến gần 2 triệu đồng. Ngoài bộ tam sên, các mâm cỗ còn có thêm xôi, bánh bao tài lộc, bánh thỏi vàng tượng trưng cho sự thịnh vượng...
Chị Nguyễn Thúy (Hà Nội) cho biết, hai ngày 9 và 10/1 Âm lịch, chị đã bán được hơn 200 mâm cúng Thần Tài với giá dao động từ 695.000 đồng đến 1,8 triệu đồng.
Đồ lễ trong mỗi mâm đều có tôm, xôi, thịt quay, cua bể, trứng luộc, bánh bao. Sự khác biệt giữa các mâm cỗ nằm ở phần tôm. Mâm rẻ hơn chị Thúy dùng tôm càng xanh, mâm tiền triệu sẽ có tôm hùm Alaska nhập khẩu từ Bắc Mỹ.
Vì các vật phẩm dùng cho mâm cúng Thần Tài khá đắt đỏ nên chị Phạm Thị Thảo (ở Gia Lâm, Hà Nội) chỉ nhận đơn hàng của các khách đã đặt trước.
"Mâm 1,4 triệu đồng có xôi gấc, 9 xôi thỏi vàng, trứng, cua, tôm hùm, thịt quay. Mâm 939.000 đồng cũng có các thành phần tương tự nhưng phần tôm tôi thay bằng 3 con tôm sú", chị Thảo cho hay.
Theo chị Thảo, những người làm kinh doanh buôn bán có điều kiện kinh tế khá giả sẵn sàng chi tiền triệu để mua mâm cúng Thần Tài.
Nắm bắt được tâm lý khách hàng, những người nấu cỗ như chị Thảo đã mua các loại nguyên liệu đắt đỏ như tôm hùm, cua bể, làm các loại bánh thủ công cầu kỳ với hình thỏi vàng, hũ vàng… và tạo ra một mâm cúng không chỉ ngon, đẹp mắt mà nhìn vào đó khách hàng đã cảm nhận được sự no đủ, thịnh vượng.
"Chúng tôi chủ yếu tư vấn, bán hàng qua điện thoại. Khách hàng khi nhận mẫu đã thấy thích nên không ngần ngại đặt hàng luôn dù mâm cúng có giá cả triệu đồng", chị Thảo nói.
Một cửa hàng nấu cỗ ở Thanh Trì đăng bán mâm cỗ cúng Thần Tài có giá từ 350.000 đồng đến 1,4 triệu đồng.
Mâm cúng đắt nhất của cửa hàng được đặt trong mẹt có đường kính 40cm, gồm 3 con tôm hùm, 3 con cua bể, gà luộc, bánh bao, trứng và thịt quay.
Chị Đoàn Hiền, chủ cửa hàng cho biết, nhà hàng chỉ nhận đơn đến hết ngày 9/1 Âm lịch và trả đơn cho khách trong 2 ngày 9 và 10 Âm lịch. Mâm cúng có giá dưới 1 triệu đồng được nhiều người lựa chọn hơn. Tuy nhiên, cũng có nhiều khách hàng lựa chọn các mâm cúng trên 1 triệu đồng.
"Trong ngày vía Thần Tài, chúng tôi nhận giao 300 mâm cỗ cho khách ở Thanh Trì và nội thành Hà Nội", chị Hiền nói.
Bên cạnh những mâm cúng tiền triệu, các mâm cúng giá rẻ khoảng 200.000 - 400.000 đồng cũng hút người mua. Chị Nguyễn Thị Tâm (quận Cầu Giấy) cho biết đã nhận làm các mâm cúng Thần Tài từ cách đây 3 ngày.
Chị Tâm đặt tên cho mâm cúng mình làm ra là Lộc Tràn với giá 369.000 đồng gồm 3 bánh nướng thỏi vàng nhân đậu xanh, 3 hoặc 5 đồng tiền vàng socola, 3 quả trứng luộc, 3 con tôm, 1 miếng thịt quay, 1 đĩa xôi chữ lộc hoặc hình Thần Tài, 1 phong bao lì xì.
Cung cấp mâm cúng có giá vừa túi tiền nên ngay trong sáng mùng 10, chị Tâm đã bán hết sạch hàng. "Nhiều khách hỏi đặt thêm nhưng tôi không bán nữa vì tôm, thịt và bánh tôi phải chuẩn bị hàng tươi ngon từ trước", chị Tâm cho hay.
Để tiết kiệm chi phí, nhiều bà nội trợ không mua các mâm cúng Thần Tài có sẵn mà tự tay chuẩn bị. Chị Bảo Ngọc làm nghề buôn bán quần áo ở An Khánh, Hoài Đức cho hay, thời điểm đầu năm còn vắng khách nên chị đã đi chợ mua các đồ cúng lễ.
Chị Ngọc chọn mua 3 bánh nướng hình thỏi vàng với giá 15.000 đồng/chiếc, 3 con tôm có giá 70.000 đồng, 1 phần heo quay 75.000 đồng, 3 quả trứng và thêm chút hoa quả, vàng lễ. Tổng giá trị mâm cỗ chưa đến 200.000 đồng.
"Trong điều kiện cần thắt chặt chi tiêu, tôi nghĩ tự tay chuẩn bị mâm cúng như thế là hợp lý mà vẫn đảm bảo đủ sự thành tâm", chị Ngọc nói.
Link bài gốc: https://dantri.com.vn/doi-song/mam-cung-than-tai-tien-trieu-ngap-tom-cua-khung-nha-giau-manh-tay-mua-le-20240219101840372.htm