Đó là một quan điểm được nhiều học giả hàng đầu của Malaysia về biển Đông chia sẻ trong một hội thảo trực tuyến diễn ra ngày 8/10.
Ông Shahriman Lockman là một trong ba diễn giả Malaysia tham dự hội thảo do Trường Quốc tế học S. Rajaratnam Singapore tổ chức. Ông Lockman nói rằng “một sai lầm phổ biến là nhìn nhận tranh chấp biển Đông và chính sách của các nước liên quan giống như câu chuyện đạo đức”.
“Trong thế giới thực, tất cả lãnh đạo chính trị phải đối mặt với thực tế rằng Trung Quốc rất sẵn sàng cư xử hoặc rất hào phóng hoặc rất bắt nạt trong các quan hệ kinh tế”, ông Lockman nói. Học giả này là một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu quốc tế và chiến lược Malaysia.
Ông và các học giả Malaysia tham dự hội thảo chia sẻ quan điểm rằng không chỉ quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Bắc Kinh là yếu tố quan trọng đối với lợi ích của Malaysia mà Trung Quốc có thể còn là nước cung cấp vắc-xin COVID-19, vì thế việc giữ gìn quan hệ với Trung Quốc là điều quan trọng.
Dù được đánh giá là kín tiếng hơn các nước liên quan khác trên biển Đông trong nhiều năm qua, Malaysia gần đây cũng có một số hành động đáng chú ý.
Một ví dụ là trong tháng 4 và 5 năm nay, tàu thăm dò dầu khí West Capella mà hãng dầu khí nhà nước Malaysia Petronas thuê đã có một đợt đối đầu với lực lượng tàu hải cảnh Trung Quốc, thu hút chú ý của các nước ngoài khu vực, khiến Mỹ và Úc tổ chức tập trận gần đó để phô trương lực lượng với Trung Quốc.
Malaysia cũng là một trong những nước đã gửi công hàm ngoại giao lên Liên Hợp quốc để phản đối yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc. Cuộc chiến pháp lý này có sự tham gia của 9 quốc gia, mới nhất là công thư chung của Anh, Pháp và Đức gửi lên trong tháng 9.
Tuy nhiên, ông Lockman nói rằng ông đã nói chuyện với các quan chức hoạch định chính sách trên biển của Malaysia nên biết rằng nước này sẽ tiếp tục ưu tiên chính sách ngoại giao im lặng.
Cách giải quyết khá yên ả vụ tàu West Capella mà “các tàu không đâm vào nhau hay xảy ra việc này việc kia” là sự xác nhận rằng chính sách này của Malaysia đã có tác dụng, ông Lockman nói.
Nhà nghiên cứu này cho biết vụ tàu West Capella được giải quyết nhờ “một thỏa thuận nhằm giảm leo thang giữa Malaysia và phía Trung Quốc”.
Ông Lockman dẫn lời một số quan chức trong chính phủ Malaysia cho rằng sự hiện diện của lực lượng Mỹ và Úc “thực sự khiến mọi thứ tồi tệ hơn vì khiến tình hình leo thang và khiến chúng tôi phải đối phó với nhiều tàu hơn”. Ông cũng ủng hộ quan điểm rằng Malaysia và các nước liên quan khác không nên tạo cho Trung Quốc một cái cớ để leo thang tình hình ở khu vực tranh chấp.
“Về cơ bản, giả định rằng bạn tạo cho họ một cái cớ để leo thang thì họ sẽ leo thang, họ sẽ tiếp nhận cái cớ đó. Họ không chỉ nhận mà còn leo thang...Nếu họ chiếm được một hòn đảo, nếu họ chiếm được một cấu trúc, nếu họ làm chủ được tình hình, họ sẽ không bao giờ đi nữa”, ông Lockman nói.
Ông B.A. Hamzah, một học giả kỳ cựu về luật quốc tế; và ông Lai Yew Meng, phó giáo sư về chính trị tại ĐH Malaysia Sabah, cũng đồng ý rằng Malaysia sẽ tiếp tục chính sách ngoại giao âm thầm.
Ông Lai nói rằng với thực tế là Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia trong 11 năm liên tục, tranh chấp trên biển sẽ được xử lý khéo léo. Ông đồng ý với ông Lockman rằng quyền đối với trữ lượng dầu khí trên biển là vấn đề cốt lõi của tranh chấp.
Malaysia phụ thuộc vào doanh thu từ dấu khí ở vùng biển được mệnh danh là “Trung Đông thứ hai”, nghĩa là cần giữ khu vực này là “vùng biển của hợp tác thay vì vùng biển của xung đột”, ông Lai nói. Ngành năng lượng đóng góp khoảng 20% cho GDP hằng năm của Malaysia.
Ông Hamzah cho rằng dù Kuala Lumpur sẽ tiếp tục “thất vọng với những hành vi khiêu khích của Trung Quốc” ở những nơi mà Malaysia coi là vùng biển thuộc chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế của mình, nhưng hợp tác sẽ vẫn tiếp tục.
“Tôi nghĩ Malaysia sẽ không vội vàng kết thân với những nước muốn kiềm chế hay trừng phạt Trung Quốc vì nhiều lý do khác nhau”, ông Hamzah nói.