Quyết định được đưa ra trong cuộc họp chung được tổ chức trong bối cảnh Malaysia, Indonesia và Thái Lan chịu sức ép lớn từ cộng đồng quốc tế khi họ xua đuổi những tàu thuyền chật ních người di cư kiệt sức từ Bangladesh và cộng đồng thiểu số Rohingya của Myanmar. Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman nói rằng, việc xua đuổi các tàu thuyền chở người di cư sẽ không xảy ra nữa.
Tuy nhiên, Malaysia sẽ không chủ động tìm kiếm người di cư, mà chỉ cung cấp chỗ trú chân cho họ nếu họ vào bờ, và với điều kiện cộng đồng quốc tế phải giúp hồi hương hoặc tái định cư cho họ trong vòng 1 năm. Ngoại trưởng Aman cho biết như vậy sau cuộc họp khẩn cấp ở Kuala Lumpur với người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi và Thái Lan Tanasak Patimapragorn. “Chúng tôi đã làm được rất nhiều, và chúng tôi sẵn sàng làm nhiều hơn với điều kiện cộng đồng quốc tế cam kết giúp đỡ… Chúng tôi cũng muốn giải quyết tận gốc vấn đề và xử lý những kẻ buôn người”, ông Retno nói. Trong khi đó, Thái Lan chỉ khẳng định sẽ tiếp tục trợ giúp nhân đạo, nhưng không dựng bất kỳ lều trại nào cho họ. Thứ trưởng Quốc phòng Thái Lan, tướng Udomdej, nói rằng, chính phủ Thái coi những người di cư là xâm nhập bất hợp pháp vào đất nước họ vì không phải họ chạy trốn bạo lực hay xung đột ở vùng chiến.
Chỉ trong 10 ngày qua đã có gần 3.000 thuyền nhân tự bơi vào bờ hoặc được đưa vào bờ biển Thái Lan, Indonesia và Malaysia, sau khi Thái Lan truy quét các tuyến đường buôn người lâu năm, khiến các băng nhóm buôn người bỏ mặc người di cư trên biển. Ông Anifah nói rằng, thông tin tình báo ước tính số người mắc kẹt trên biển lên đến 7.000.
Nhiều người trên chiếc tàu chở người di cư cập bờ tỉnh Aceh của Indonesia hôm qua nói rằng, họ bị những kẻ buôn người bỏ rơi và đã bị cạn nước uống, thực phẩm. Mười người đã chết. Hải quân Thái Lan cung cấp nước uống, thực phẩm, sửa tàu giúp họ rồi xua họ ra biển. Những người này nói rằng, họ bị Hải quân Thái Lan và Malaysia xua đuổi 3 lần, đồng thời mô tả họ bị theo sát suốt chặng đường đến Indonesia và bị cảnh báo không bao giờ được quay lại.
Kêu gọi ASEAN họp khẩn
Myanmar khẳng định sẽ tham gia trợ giúp nhân đạo cho những người di cư khốn khổ. Truyền thông Myanmar hôm qua dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao nước này nói rằng, chính phủ Myanmar “chia sẻ quan ngại” của cộng đồng quốc tế và “sẵn sàng trợ giúp nhân đạo cho những người khó khăn trên biển”. Đây là lời lẽ mềm mỏng nhất từ trước đến nay của chính phủ một nước coi người Hồi giáo Rohingya là những người nước ngoài đến từ Bangladesh. Phần lớn dân số Myanmar theo đạo Phật. Mỗi năm có hàng ngàn người Rohingya từ Myanmar ra đi, chủ yếu xuống Malaysia, nơi có phần đông dân số theo đạo Hồi. Ngoại trưởng Malaysia cho biết, ông sẽ bay sang Myanmar để thảo luận vấn đề này khi lịch hẹn được sắp xếp. Theo quan chức này, về lâu dài, ASEAN muốn giải quyết tận gốc vấn đề, vì đây không chỉ là vấn đề khu vực mà là vấn đề toàn cầu.
Thông báo chung được đưa ra sau cuộc họp hôm qua đề xuất tổ chức một cuộc họp khẩn của nhóm 10 quốc gia Đông Nam Á, khi Malaysia đang đảm nhận vị trí Chủ tịch ASEAN năm nay. Sau lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và của Mỹ tuần trước rằng hãy cứu lấy người Rohingya, Giáo hoàng Francis hôm 19/5 cũng bày tỏ cảm thông với cộng đồng này.
Úc chia sẻ cách xử lý vấn nạn buôn người
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop hôm qua thông báo, nước này sẽ tài trợ thêm 4,7 triệu USD để trợ giúp cộng đồng người Rohingya. Khoản tiền này sẽ được phân bổ qua Liên Hợp Quốc và Chương trình Lương thực Thế giới để cung cấp nơi ở, thực phẩm và đồ tiếp tế khẩn cấp cho họ. Úc sẽ tham dự hội nghị khu vực vào cuối tháng này ở Thái Lan để giúp giải quyết vấn đề người Rohingya di cư. Bà Bishop nói rằng, Úc sẽ chia sẻ kinh nghiệm và lời khuyên để giải quyết các cuộc khủng hoảng buôn người.