Đề xuất lắp mái che
Theo ghi nhận của PV, tại khu vực công viên Bến Bạch Đằng (quận 1) chỉ có một hàng cây xanh ven đường Tôn Đức Thắng và chưa tạo độ che phủ bóng mát cho toàn bộ công viên. Công viên nắng nóng gay gắt nên vắng như chùa Bà Đanh dù vừa được nâng cấp, cải tạo, có cảnh quan rất đẹp. “Từ sau khi được chỉnh trang, công viên Bến Bạch Đằng rất sạch đẹp nhưng cây xanh còn ít, ban ngày, đặc biệt là vào buổi trưa và xế chiều rất nóng nên không ai muốn đi dạo để phơi nắng” - chị Nguyễn Thị Huyền Trang (31 tuổi, nhân viên văn phòng ở quận 1) nói.
Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), hai hàng cây xanh mới trồng vài năm trên quảng trường chưa đủ bóng mát nên ban ngày thưa vắng khách tham quan.
Mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) phối hợp UBND Quận 1 nghiên cứu nhiều giải pháp tạo bóng mát vào ban ngày để phục vụ người dân, du khách tại phố đi bộ Nguyễn Huệ và công viên bến Bạch Đằng, trong đó có giải pháp thiết kế loại hình mái che căng bạt nghệ thuật kết hợp chiếu sáng mỹ thuật vào ban đêm. Trước đó, tháng 3, Sở QH-KT TPHCM đề xuất UBND TPHCM tăng cường mái che trên vỉa hè đường Lê Lợi (quận 1) để vừa che nắng, che mưa, vừa tạo không gian đi bộ thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch.
“Cốt lõi vấn đề vẫn là cây xanh. Chúng ta rất cần tăng diện tích xanh của khu vực trung tâm TPHCM. Cây xanh cải thiện khí hậu tốt nhất và không có gì bằng diện tích các mảng xanh”.
TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các khu vực trên, cây xanh vẫn chưa đủ lớn hoặc chưa thể bố trí ngay mảng xanh. Do đó, phương án lắp mái che được đề xuất nhằm tạo bóng mát cho khu vực.
PGS.TS Nguyễn Văn Trình, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu vùng và đô thị, cho rằng việc làm mái che ở TPHCM là cần thiết, tuy nhiên, việc thực hiện mái che phải gắn liền với kiến trúc và làm một cách chắc chắn, không thể làm tạm bợ.
Theo ông Trình, việc thực hiện kết cấu mái che chắc chắn và kiến trúc đẹp đòi hỏi chi phí cao hơn. Muốn công trình đảm bảo chất lượng, kiến trúc tương xứng, tương đồng với cảnh quan ở khu vực thì đơn vị thiết kế nên nghiên cứu nhiều nơi trên thế giới, như Nhật Bản, Singapore…
“Tôi từng đến thành phố Kyoto, cố đô của Nhật Bản. Ngay ở khu phố trung tâm của thành phố Kyoto, họ có thực hiện mái che rất chắc chắn và đẹp, tương xứng và phù hợp với cảnh quan khu vực. Ngày trước ở TPHCM trên đường Nguyễn Huệ, một số đoạn đã có mái che do tư nhân thực hiện. Thương xá Tax (góc đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ ngày nay) khi xây dựng thì đã có mái che ra ngoài, rất đẹp”- ông Trình nói. Theo ông, việc lắp mái che phải được thực hiện kiên cố, gắn với công trình, không thể làm tạm bợ, không thể sử dụng mái bạt, mái dù vì tuổi thọ sử dụng không cao.
TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, nói rằng, Singapore, Pháp, Mỹ đã làm mái che, tuy nhiên, tại khu vực trung tâm thành phố, không nơi nào làm mái che tạm. Người ta chỉ làm mái che tạm để phục vụ sự kiện ngắn ngày, khi kết thúc sự kiện sẽ tháo dỡ. “Theo tôi, với dạng mái che tạm bợ, tách rời với công trình thì không nên lắp cho khu vực Nguyễn Huệ, Lê Lợi hay công viên Bến Bạch Đằng”- ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, đối với dạng mái che kiên cố, gắn với công trình, nên được khuyến khích thực hiện. “Với các tuyến đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ và công viên Bến Bạch Đằng, nên nghiên cứu lắp mái che kiên cố gắn với công trình. Riêng tại công viên Bến Bạch Đằng, nên thực hiện với dãy nhà dọc đường Tôn Đức Thắng. Nhưng cái khó là những đoạn công trình cao, thấp khác nhau thì phải nghiên cứu mái che làm sao hài hòa, tránh việc mái che cao, thấp không đều, ảnh hưởng đến mỹ quan. Ngoài ra, cần nghiên cứu vật liệu không hấp thụ nhiệt cho mái che, đảm bảo được vai trò làm mát cho khu vực”- ông đề xuất.
“Cây xanh là chính”
Theo ông Sơn, tại những khu vực có cây xanh bị chặt để làm các công trình, TPHCM nên trồng lại. Ở khu vực đường Lê Lợi, hàng cây bị đốn hạ để phục vụ thi công tuyến metro số 1. Theo ông ngoài phương án lắp mái che gắn với công trình, thành phố nên lựa chọn loại cây phù hợp, không quá cao, bộ rễ không ăn sâu để trồng lại và tránh ảnh hưởng đến công trình ngầm.
“Tôi cho rằng quyết định chặt hết cây xanh khi cải tạo, nâng cấp công viên Bến Bạch Đằng là sai lầm. Đúng ra là khi chỉnh trang Bến Bạch Đằng, người ta nên đưa ra chiến lược giữ hết cây xanh và chỉ chỉnh trang. Ở xứ nóng như nước ta hay cụ thể là tại TPHCM, khi mà công viên không có bóng cây, không có bóng mát thì sẽ không có ai đến, nhất là vào buổi trưa, lúc nắng gay gắt” - ông Sơn nhận định.
Ông Sơn cho rằng, TPHCM cần nghiên cứu trồng bổ sung cây xanh cho khu vực công viên Bến Bạch Đằng. Dù sau này có quy hoạch làm công trình ngầm bên dưới công viên thì vẫn có thể trồng cây xanh khi chọn được loại cây phù hợp. “Bến Bạch Đằng, đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ nên có nhiều cây xanh. Trong đó, với không gian trung tâm thì cây xanh là chính, còn mái che thì chỗ nào làm được thì làm nhưng mà thật sự mái che chỉ là phụ. Bởi lẽ, cây xanh vừa tạo bóng mát cho người ở dưới và quan trọng hơn là giúp cải thiện khí hậu, làm cho khu vực trở nên mát mẻ hơn là “bê tông hóa” - ông nói.