Mạch nguồn mãi chảy... Kỳ cuối: Hồn của buôn làng

TP - Trong văn hóa dân tộc bản địa Tây Nguyên, đặc biệt là người Ê Ðê luôn in đậm hình ảnh bến nước, rừng cây. Ngay từ khi lập làng, dựng buôn họ phải chọn mảnh đất có nguồn nước vì đó là không gian sinh hoạt văn hóa không thể thiếu đối với bà con dân tộc Ê Ðê. Bến nước được coi là phần hồn của cả buôn làng.
Thiếu nữ Ê Ðê lấy nước ở bến nước buôn K’mrơng Prông B.

Giữ rừng để giữ bến nước

Âm thanh gợi nhớ của người Tây Nguyên là cồng chiêng, hình ảnh gợi nhớ của họ là bến nước. Hình ảnh bến nước vừa gần gũi vừa thiêng liêng. Khi lập một làng mới, già làng, người có uy tín nhất đi tìm mảnh đất có khu rừng đầu nguồn nước hay trên đỉnh núi để lập làng.

Mỗi buôn làng Ê Đê đều có một bến nước. Đây là nguồn nước sạch nuôi sống cả buôn. Hàng năm họ sẽ tổ chức lễ cúng bến nước hay thần nước sau khi thu hoạch lúa. Khi những cây pơ lang đầu làng xanh biếc chuẩn bị cho mùa trổ bông, hoa dã quỳ vàng rực bồng bềnh trên các sườn đồi, pô lăn (người đứng đầu buôn) và Pô pin Ea (người chủ bến nước) nhắc nhở dân làng vệ sinh các con đường trong buôn, đường xuống bến nước và làm lễ cúng bến nước.

Ông Y Wih Êban chia sẻ: Bến nước trong vắt tồn tại từ lâu đời. Khu rừng bao quanh bến nước được người dân bảo vệ như báu vật.

Mỗi buổi cuối tuần ở buôn K'mrơng Prông B, xã Ea Tu (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) trưởng buôn Y Wih Êban cùng lũ trẻ đến bến nước dọn vệ sinh và tuyên truyền cho người dân trong buôn biết những quy định, hình thức xử phạt nghiêm khắc đã ghi trong luật tục của buôn. Ông Y Wih Êban chia sẻ: Bến nước trong vắt tồn tại từ lâu đời. Khu rừng bao quanh bến nước được người dân bảo vệ như báu vật. Theo quan niệm của người Ê Đê, mỗi một cây gỗ lớn bị chặt phá thì một mạch nước ngầm cũng cạn dần nên để nguồn nước trong và sạch mọi người đều ra sức giữ gìn cây xanh đầu nguồn. Chính thế nên rừng ở đây vẫn còn nguyên sinh. Năm 2012, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh tổ chức lễ gắn biển bảo tồn cây đầu nguồn bến nước tại buôn K’mrơng Prông B.

Mỗi buổi chiều bến nước Kbăng Kiêu (buôn A, xã Dang Kang, huyện Krông Bông) luôn xôn xao tấp nập. Con đường xuống bến nước và rãnh thoát nước đã được bê tông hóa. Bao bọc xung quanh là ruộng lúa trù phú xanh tốt. Đến đây ta thấy một điều khác biệt với các bến nước khác, xung quanh rất ít cây xanh, chỗ dẫn nguồn nước ra là từ rễ của một cây xoài rừng rất lớn mọc ở bến nước. Khi mạch ngầm chảy ra sẽ chảy trực tiếp xuống bể nước nhỏ được xây kiên cố bằng đá ngay phía dưới. Theo người dân ở đây, cây xoài này hơn 100 tuổi, đó là món quà của thần linh ban tặng cho buôn làng, là linh hồn của bến nước. Nếu cây xoài đổ bến nước sẽ không còn, vì thế bà con ở đây bảo vệ như báu vật. Chị H’ren Kbơr, người dân buôn A cho biết: Từ ngày còn nhỏ chị luôn theo mẹ đến bến lấy nước. Nước ở đây rất sạch, người dân trong buôn và các buôn khác thường xuyên đến lấy về dùng. Bến nước Kbăng Kiêu theo tên gọi của người Ê Đê, Kbăng là giếng, Kiêu là cây xoài.

Ông Y Thúc Byă, nguyên Bí thư chi bộ buôn A thông tin: Năm 1998, Sở Tài nguyên và Môi trường đã về xã lấy 3 mẫu nước tại 3 nơi: Bến nước Kbăng Kiêu (Buôn A), giếng nước gia đình ông Ama Phi, ông Ama Tôny (buôn B), để kiểm tra và kết quả nước Kbăng Kiêu rất sạch, lớp phèn có tỷ lệ thấp, có thể uống trực tiếp không cần nấu sôi. Ở đây lễ cúng bến nước vẫn được duy trì và trở thành lễ cúng linh thiêng nhất trong năm của buôn làng.

Bến nước Kbăng Kiêu xôn xao tấp nập người mỗi buổi chiều.

Bảo tồn văn hóa tâm linh

Nước đối với đồng bào dân tộc Tây Nguyên không chỉ là nguồn sống vô tận mà còn là nơi chứa đựng tín ngưỡng tâm linh từ thế hệ này đến thế hệ khác của cả cộng đồng. Bến nước là nơi gặp gỡ của các đôi trai gái. Nhiều đôi thường trao chiếc vòng đồng đính hôn ở bến nước để thần nước phù hộ, vun đắp làm cho tình yêu của họ lãng mạn son sắt hơn. Sau ngày lao động vất vả những người đàn ông, đàn bà lại về bến nước tắm gội một cách tự nhiên. Họ muốn nhờ thần gội rửa những bụi bẩn nương rẫy khi bước lên nhà sàn để mọi mệt nhọc đều tan biến. Bởi vậy, từ thế hệ này sang thế hệ khác, người Ê Đê hình thành một truyền thống tốt đẹp là trân trọng nguồn nước hơn cả hạt muối, hạt gạo. Tục cúng bến nước của người Ê Đê có từ khi hình thành buôn làng. Họ cúng để các vị thần biết được nơi đó có dân làng sinh sống, để thần ban sức khỏe, cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Những năm gần đây do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa và cuộc sống hiện đại, không gian văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa bị thu hẹp. Rừng cạn kiệt, một số bến nước bị bỏ hoang, vai trò già làng, chủ bến nước, luật tục cộng đồng vốn ăn sâu trong tiềm thức đồng bào cũng phai nhạt. Họ khao khát được đắm chìm trong dòng chảy văn hóa của vùng đất mình đang sống, đêm đêm bên bếp lửa nhà sàn dài giữa những người đồng tộc. Chiếc chóe rượu cần nồng nàn, tiếng chiêng ngân lên những giai điệu thiết tha. Những chàng trai cô gái Ê Đê nắm tay nhau đắm chìm vào không gian văn hóa mà ông cha dày công gìn giữ.

Hiện nay ở tỉnh Ðắk Lắk, nhiều buôn đồng bào Ê Ðê đã sửa sang và phục hồi bến nước: Buôn Trinh (xã Ea Blang, thị xã Buôn Hồ), buôn Knia (xã Ea Bar, huyện Buôn Ðôn), buôn Cháy (xã Ea M’roh, huyện Cư Mgar), buôn Kmrơng A, Kmrơng B (xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột)… và nhiều buôn đã thực hiện nghi lễ cúng bến nước theo phong tục truyền thống.