Mặc hở hang, khách được mượn áo vào di tích

TP - Bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng Ban quản lý Di tích & Danh thắng Hà Nội cho biết, từ 25/4 người dân và du khách đến hàng loạt di tích của Hà Nội phải tuân thủ quy định mượn áo choàng sẵn có, để ngăn hình ảnh mặc hở tại di tích.
Du khách lỡ mặc hở, thoáng phải mượn áo choàng trước khi vào đền Ngọc Sơn. Ảnh: Mạnh Thắng.

Không mặc không vào

Đền Ngọc Sơn là một trong những điểm tiên phong ở Hà Nội thực hiện kế hoạch may sẵn áo choàng và cho khách lỡ mặc hở mượn. Thực tế một số địa phương như Đà Nẵng đã cấp phát áo choàng, váy choàng cho khách mặc thoáng khi thăm chùa Linh Ứng (Sơn Trà).

Chiều 24/4, chúng tôi tới đền Ngọc Sơn. Ngay từ đầu cầu đã có nhân viên Ban quản lý (BQL) di tích đứng sẵn nhắc nhở khách mặc váy ngắn, áo không tay, hở cổ hoặc quá thoáng quay lại quầy mượn áo choàng. Quầy cho mượn áo nằm đối diện quầy vé. Tuy nhiên, tấm biển nơi cho mượn đồ chỉ có tiếng Việt, phần tiếng Anh nhỏ hơn được viết tay trên giấy trắng đặt bên dưới hơi khó quan sát và không trang trọng.

Ông Nguyễn Đăng Sơn, Phòng Quản lý Di tích đền Ngọc Sơn-người trực tiếp phát áo choàng- cho biết, mỗi ca sáng ghi nhận khoảng 150 khách thực hiện thủ tục mượn áo. “Chủ yếu là khách nước ngoài, bởi họ du lịch nên thoải mái với quần sooc, áo ba lỗ. Người Việt đa phần đều ý thức vào đền chùa phải mặc tươm tất, chỉn chu nên có chuẩn bị trước. Khách mặc quần quá đầu gối còn được, còn quần ngắn hơn, áo không tay, hở cổ nhiều bắt buộc phải mượn trang phục”, ông Sơn nói.

Chị Sarah Naz, du khách Mỹ cùng chồng tới Việt Nam du lịch lần đầu vừa cười vừa cởi chiếc áo choàng để trả lại BQL. “Tôi thấy việc này hết sức bình thường, bởi khi du lịch Thái Lan có nhiều điểm cũng yêu cầu như thế. Tôi thấy trang phục của các bạn đẹp, mặc vào dễ chịu”, chị nói. Bà Jannick (Pháp) đi cùng bạn đều lỡ mặc áo hai dây và sát nách, cả hai vui vẻ mượn áo choàng sau khi được hướng dẫn.

“Quy định của các bạn thì chúng tôi phải tôn trọng. Không riêng Việt Nam ngay nhiều nước như Italia cũng có nơi bắt buộc phải mặc áo có tay”, bà nói. Tuy thế vẫn có du khách không nghiêm túc thực hiện, người thì hững hờ khoác áo cho có lệ, người khác lại biến cái áo thành áo choàng vai để tạo dáng chụp ảnh.

Vừa làm vừa nghe ngóng

Bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng BQL Di tích danh thắng Hà Nội cho biết, từ ngày 25/4, một loạt di tích Hà Nội như đền Bà Kiệu, Tượng đài Vua Lê (phố Lê Thái Tổ), di tích 48 Hàng Ngang, 5D Hàm Long, 90 Thợ Nhuộm, di tích Bác Hồ viết Lời kêu gọi Toàn quốc Kháng chiến ở Vạn Phúc đều nhất loạt có quầy cho du khách mượn áo choàng.

Bộ trang phục dành cho nữ có màu hồng nhạt, trang phục nam kẻ caro nhỏ theo lời bà Hòa được thảo luận kỹ càng trước đó. Đền Ngọc Sơn tập trung đông khách du lịch quốc tế, BQL chuẩn bị 100 bộ trang phục cho cả nam và nữ. Chi phí áo choàng nữ 500 ngàn đồng, áo nam giá nhỉnh hơn một chút.

“Việc cho du khách mượn áo chỉ là phụ, cái chính mà các nhà quản lý muốn nhắm tới là việc nhắc nhở du khách tôn trọng tín ngưỡng bản địa”, bà Hòa nói. Hỏi một bạn trẻ phải mượn áo rằng đã bao giờ gặp cảnh này, nữ du khách thật thà: “Em khá bất ngờ vì cứ tưởng vào đây mặc gì cũng được. Khi tới đây biết có quy định về trang phục em thấy cũng hay vừa thoải mái lại lịch sự”, La Thị Hiền (Thanh Hóa) nói. Cô bạn đi cùng tên Hoàng Thị Tuyến (Phú Thọ) thừa nhận do không chủ đích tới đền Ngọc Sơn nên mặc thoải mái hơn. “Bình thường đi chùa em mặc bộ quần áo nâu sồng đơn giản và đẹp”, Tuyến nói.

Không riêng chùa chiền, người dân sắp tới dần quen với việc một loạt các di tích tại Hà Nội may áo choàng cho du khách mượn. “Trong tuần này chúng tôi sẽ chốt mẫu thiết kế áo cho du khách mượn. Dự kiến áo có màu đỏ đậm, hoa văn Văn Miếu in chìm.

Kinh phí đầu tư trang phục lấy từ nguồn thu của di tích”, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu -Quốc Tử Giám nói. Dự kiến giữa tháng 5 Văn Miếu sẽ đưa quầy mượn áo vào thực hiện.

Ông Kiêu cũng nói thêm, có thể Trung tâm liên kết, phối hợp với các công ty và hướng dẫn viên du lịch nhắc nhở khách từ trước khi tới tham quan Văn Miếu. Điều này cũng giúp khách có sự chuẩn bị tốt hơn khi tham quan các di tích ở Việt Nam. Ngoài ra, BQL di tích Hỏa Lò cũng đang triển khai khu vực cho mượn áo choàng.

Trưởng BQL Di tích & Danh thắng Hà Nội cho biết, trước mắt việc may trang phục này thực hiện theo tinh thần “vừa làm vừa rút kinh nghiệm”. Đây cũng là một trong những khuyến cáo có trong Quy tắc ứng xử do Hà Nội ban hành. Hoa thêu trên trang phục là hoa đào dây. Trong lúc chờ tìm được mẫu phù hợp BQL sử dụng tạm mẫu hiện tại. Sở dĩ BQL không dùng màu nâu vì muốn khách theo tôn giáo nào cũng thấy thoải mái. Một du khách Việt kiến nghị nên có thêm kích cỡ để người thấp bé nhẹ cân thấy vừa vặn hơn.