Sai quy chuẩn?
Ghi nhận của phóng viên Tiền Phong cho thấy, dọc Quốc lộ 5 từ Hải Phòng về Hà Nội dài gần 80km có hàng trăm tấm biển phân làn được treo, nhưng đều không đúng với Quy chuẩn 41 theo cụm Biển chỉ dẫn giao thông đường bộ.
Cụ thể, các biển 403a, đường dành cho ô tô; 403b đường dành cho ô tô và mô tô, theo quy định của Luật Giao thông Đường bộ phải có hình ảnh xe ô tô và mô tô và có chữ kèm theo. Tuy nhiên, trên thực tế, hàng trăm tấm biển cắm trên Quốc lộ 5 chia thành 3 làn đường đều không có hình ảnh mà chỉ thể hiện phần chữ: “ô tô; mô tô, ô tô và mô tô, xe máy, xe thô sơ”. Theo Luật Giao thông Đường bộ, đây là những tấm biển phụ, thế nhưng không ít trường hợp CSGT Hải Dương lại lấy đó làm căn cứ xử phạt khiến nhiều tài xế thắc mắc.
Trao đổi với phóng viên, thiếu tá Nguyễn Văn Khánh - Trạm trưởng Trạm CSGT, Phòng CSGT Công an tỉnh Hải Dương cho biết, cuối năm 2013, kể từ khi bỏ dải phân cách cứng giữa xe cơ giới và xe thô sơ, Tổng cục Đường bộ triển khai cắm biển phân làn đường. Theo số liệu ông Khánh cung cấp, trong 6 tháng đầu năm 2015, Phòng CSGT Hải Dương đã xử lý 469 trường hợp đi sai làn đường, 709 trường hợp chuyển làn không có tín hiệu báo trước trên tuyến Quốc lộ 5.
Thiếu tá Nguyễn Đình Phong- Đội trưởng CSGT số 1, Phòng CSGT Hưng Yên cho biết, từ đầu năm tới nay Đội mới xử lý khoảng 100 trường hợp chuyển làn đường không bật đèn tín hiệu, còn lại là tập trung xử lý lỗi chạy quá tốc độ, chưa xử lý trường hợp nào đi sai làn đường.
Khi được phóng viên Tiền Phong phản ánh về tình trạng biển báo, chỉ dẫn không đúng quy cách, thiếu tá Phong lập tức chỉ đạo cán bộ khảo sát kiểm tra. “Chúng tôi sẽ sớm khảo sát, thống kê số biển bất hợp lý và có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ đề nghị chấn chỉnh lại” - thiếu tá Phong nói.
Dừng xe để... đọc biển báo
Tương tự, ghi nhận của phóng viên tại tuyến đường trên cao từ Phạm Hùng đến hết khu vực cầu Thanh Trì (thuộc địa bàn các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai và huyện Gia Lâm, Hà Nội) được cắm biển quy định tốc độ 60 - 80km/h. Riêng đoạn đường từ quận Cầu Giấy đến quận Hoàng Mai còn được cắm biển quy chuẩn đường cao tốc.
Trên tuyến đường này được chia nhiều đường dẫn lên, xuống như khu vực ngã tư Trần Duy Hưng - Phạm Hùng; Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, Giải Phóng - cao tốc Pháp Vân - cầu Giẽ, song những tấm biển có dòng chữ nhỏ lại treo thấp khiến tài xế khó quan sát. Đặc biệt, tại khu vực đường trên cao Nguyễn Xiển hướng đi cầu Giẽ và cầu Thanh Trì đi cầu Giẽ được cắm quá nhiều biển, chữ nhỏ, treo thấp khiến nhiều tài xế ngơ ngác, thậm chí đi nhầm đường.
Tương tự, đoạn đường trên cao từ khu vực Pháp Vân đến cầu Thanh Trì và ngược lại có khá nhiều ngã rẽ: Đường Tam Trinh, đê Thanh Trì, đường Lĩnh Lam, Mai Động hoặc rẽ xuống khu vực quận Long Biên, đê Ngọc Thụy… cũng được cắm những tấm biển gây khó khăn cho tài xế.
Anh Phạm Thanh Tùng (Kiến An, Hải Phòng, kinh doanh vận tải) cho biết, khi chạy xe qua cầu Thanh Trì, đến các ngã rẽ vào Thủ đô gặp những tấm biển báo, hướng dẫn cắm quá thấp, chữ lại nhỏ, che khuất tầm nhìn khiến anh liên tục bị lạc đường. Đến nay, đã hơn 1 năm chạy xe trên tuyến này, thi thoảng anh Tùng vẫn nhầm đường, đặc biệt khi chạy xe vào thời điểm trời mưa, đêm tối...
Không chỉ anh Tùng mà anh Hoàng Rự (Đống Đa, Hà Nội) là người Thủ đô, song mỗi khi lưu thông từ cầu Thành Trì rẽ vào đường Pháp Vân cũng “mờ mắt” đọc biển chỉ dẫn. Theo anh Rự, khu vực đường trên cao gần chân cầu Thanh Trì được chia tới 6 làn đường, nếu xe chạy ở làn trái ngoài cùng sẽ bị các dòng xe chạy làn trong che khuất tầm nhìn, khó quan sát biển báo.
“Đúng tiêu chuẩn”, nhưng cần tăng kích cỡ
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Tân - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, chữ và kích thước biển cắm tại khu vực cầu Giẽ - Pháp Vân là đúng theo tiêu chuẩn Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Tân cũng cho rằng một số tấm biển cần phải tăng kích cỡ cho phù hợp. Theo ông Tân, kiến nghị của nhiều tài xế về việc biển báo, biển hướng dẫn cần được tăng kích cỡ chữ và cần treo cao hơn nữa tại khu vực Pháp Vân là hợp lý. Việc treo biển báo, biển hướng dẫn sẽ giúp tài xế quan sát tốt hơn, giảm thiểu các vụ tai nạn. Ông Tân cho biết thêm, những tấm biển lớn sẽ rất tốn kém, trong khi nguồn kinh phí hạn hẹp. Sở GTVT Hà Nội đang cho cán bộ để khảo sát nhằm điều chỉnh lại những tấm biển bất hợp lý.
Về tuyến đường từ Phạm Hùng tới hết khu vực cầu Thanh Trì, ông Tân cho rằng, khu vực này do Tổng cục Đường bộ quản lý, tuy nhiên ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ lại cho rằng, do Sở GTVT Hà Nội quản lý.
Không chỉ anh Tùng mà anh Hoàng Rự (Đống Đa, Hà Nội) là người Thủ đô, song mỗi khi lưu thông từ cầu Thành Trì rẽ vào đường Pháp Vân cũng “mờ mắt” đọc biển chỉ dẫn. Theo anh Rự, khu vực đường trên cao gần chân cầu Thanh Trì được chia tới 6 làn đường, nếu xe chạy ở làn trái ngoài cùng sẽ bị các dòng xe chạy làn trong che khuất tầm nhìn, khó quan sát biển báo.