“Nữ tướng” tài xế
Sinh ra trong một gia đình khá giả, từ nhỏ chị Lê Thị Tâm (phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã được cưng chiều hết mực. Lớn lên, bố mẹ mong chị theo học ngành sư phạm thì chị lại nằng nặc đòi học lái xe tải. Dù vấp phải sự phản đối quyết liệt, thậm chí dọa nạt chị vẫn không từ bỏ ý định. Cuối cùng bố mẹ “chào thua”, để chị ngồi sau vô lăng. “Thích lái xe thật, nhưng lúc mới tập sợ lắm, cứ sợ tông vô người ta. Còn nhớ lần đầu lái ra quốc lộ, đang qua ngã tư thì một chiếc xe tải khác bất ngờ lấn hết phần đường của chị. Hoảng quá, chị đạp thắng mà nhầm sang chân ga, cũng may có thầy giáo trên xe xử lý kịp. Giờ thì chạy ngon rồi”, chị Tâm nhớ lại.
Tôi làm hơn 30 năm rồi nhưng khách nào đến tiệm lần đầu cũng nhìn lạ lắm. Người nói, phụ nữ làm nghề này thì hỏng hết tay chân, người khuyên chọn nghề khác cho đỡ cực, cũng có khách dắt xe vào tiệm rồi lại quay ra. Dù thế nhưng tôi vẫn vui với công việc của mình.
Học lấy bằng xong, chị đảm nhận việc chở hàng thuê bằng xe tải loại 1,25 đến 2 tấn. Với chị, việc ngồi sau vô lăng trở nên bình thường nhưng cứ đi ra đường lại có người nhìn. “Mỗi lần lái xe đi giao hàng, ai cũng nhìn. Có người nói, phụ nữ mà lái xe giỏi thế, cũng có người nói thiếu gì việc mà lại làm cái nghề của đàn ông”. Đã trót mang nghiệp vào thân thì nữ cũng giống nam, làm hưởng như nhau. “Những ngày nhiều hàng, chị phải chạy đi huyện gần chục chuyến nên đến bữa ăn tạm ổ bánh mì rồi chạy tiếp, vừa lái xe vừa làm bốc vác luôn nên chuyện ăn uống, sinh hoạt thất thường lắm. Nửa đêm về đến nhà, đặt lưng xuống giường là không biết gì nữa”, chị bộc bạch nề nếp sinh hoạt. Công việc vất vả thế nhưng 2 năm qua, chị chưa từng có ý định bỏ nghề.
Cô Chung chạy xe thồ đã được 2 năm
Cũng như chị Tâm, cô Trần Thị Chung (52 tuổi, trú thôn 6, xã Hòa An, huyện Krông Pắk) là nữ xế xe thồ duy nhất tại khu vực chợ Tân An, TP Buôn Ma Thuột. Dù đã chạy được 2 năm nhưng nếu không có lời mời thì chẳng ai biết cô là xe ôm. Nói đến duyên gắn bó với nghề, cô tâm sự: “Trước đây, tôi làm ở quán cơm, phải đi về đúng giờ nên không có thời gian đưa đón con cái, chăm sóc mẹ già. Thấy chạy xe thồ tự do lại có đồng ra đồng vào nên tôi chuyển nghề luôn. Mới đầu ít khách lắm, giờ thì nhiều mối rồi, cứ có việc họ lại gọi tôi”. Là “xế ôm” nữ nên không ít lần gặp khách khó tính, say xỉn, thậm chí cả những “yêu râu xanh” giở trò nhưng cô đều bình tĩnh xử lý mà không làm mất lòng các “thượng đế”. Chia sẻ về kỷ niệm trong 2 năm hành nghề, cô cười, kể: “Cách đây vài tháng, khi đang đứng đón khách, tôi thấy một ông Tây to béo đi bộ đeo balô nặng trĩu. Thấy vậy, tôi mời: Đi xe thồ không?
Vừa nói tôi vừa dùng ký hiệu để ông ta hiểu. Ông Tây nhìn tôi một lúc rồi leo lên xe. Theo sự chỉ dẫn, tôi chở đến bến xe liên tỉnh. Đến nơi, tôi xin tiền xe thì ông liên tục xua tay “no, no!” kèm từ “thank you”. Tôi chưa biết thế nào thì một người biết tiếng Anh đến phiên dịch giúp. Tôi té ngửa khi nghe vị khách nói lại rằng, ổng nói không gọi xe thồ, do tôi mời đi nên ổng đi thôi. Bên đấy đi thế không phải trả tiền. Nói mãi cũng không được, tôi đành về tay không, còn người phiên dịch giúp lại được ông Tây mời đi ăn”.
“Bóng hồng” sửa xe
Đến tiệm “Vá ép honda có đảm bảo” số 112 Lê Duẩn, phường Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thợ sửa xe lại là phụ nữ. Nhìn bà Nguyễn Thị Sỉu (66 tuổi) tháo lốp, vá săm thoăn thoắt, ai cũng ngạc nhiên vì nghề này thường chỉ dành cho đàn ông. Hiểu được điều đó, bà giải thích: Tôi làm hơn 30 năm rồi nhưng khách nào đến tiệm lần đầu cũng nhìn lạ lắm. Người nói, phụ nữ làm nghề này thì hỏng hết tay chân, người khuyên chọn nghề khác cho đỡ cực, cũng có khách dắt xe vào tiệm rồi lại quay ra. Dù thế nhưng tôi vẫn vui với công việc của mình.
“Vá ép honda có đảm bảo” từ lâu đã thành điểm đến quen thuộc của nhiều khách. Không chỉ vá, bà Sỉu còn sửa phanh, tăng sên, thay nhớt và làm ruột xe ô tô, xe máy, xe lam. Từ những chiếc ruột ô tô đã qua sử dụng, bà cắt thành các miếng vá lớn, nhỏ rồi cho vào môtơ duỗi mỏng, tạo độ nhám. Lúc vá, bà dùng hai miếng thép to, dày đã được hơ nóng, ép chín miếng vá. Gặp lỗ thủng lớn, bà dùng kim chỉ may lại rồi bôi một lớp keo nước, dán thêm một miếng keo vá rồi mới đặt miếng vá lên đắp vào. Bà nói, làm như vậy miếng vá sẽ không bị bục hoặc hở ra.
Vá chín đảm bảo chất lượng nhưng giá cả bình dân, nên tiệm của bà luôn đông khách. Anh Hải (phường Tân Thành), khách hàng cho biết: “Cứ bị thủng săm là tôi đến đây. Bà Sỉu vá đảm bảo lắm. Trước đây, thấy tiệm bà không để bảng nên tôi làm tặng bà một cái để khách đi đường bị hư xe còn biết”. Mặc dù tuổi đã cao, các con nhiều lần khuyên bà đóng tiệm nghỉ ngơi nhưng bà vẫn làm và xem nó là niềm vui tuổi già.
Cũng chọn nghề sửa xe làm cần câu cơm, cô Lê Thị Năm (50 tuổi, ở 239 Đinh Tiên Hoàng, Buôn Ma Thuột) chia sẻ: Trước đây, tôi làm rẫy thuê, chồng mở tiệm sửa xe. Ông ấy là thương binh (bị cụt một tay) nên làm rất vất vả, thấy vậy, tôi ra phụ giúp. Lúc đầu tôi chỉ bơm lốp, rửa xe, sau biết tăng sên, sửa thắng (phanh), vá săm. Làm quen rồi tôi đảm nhận luôn”. Nhiều năm gắn bó với nghề, cô Năm gặp không ít khách sửa xe “xin” nợ rồi mất hút, cũng có người được vá miễn phí song vài ngày sau quay lại trả tiền, hay chuyện thanh niên nọ đến vá xe bỗng lên cơn nghiện ma túy khiến cô một phen khiếp vía…
Ngoài sửa xe, cô Năm còn đạp ba gác chở hàng thuê kiếm thêm thu nhập. Cả ngày làm cật lực của hai vợ chồng được khoảng 200 nghìn đồng nhưng với cô như vậy là “ấm” rồi.
Nữ thợ xây kiêm nghề điện, nước
Chị Tâm chuẩn bị đi chở hàng
Các cô, các chị không chỉ là tài xế, thợ sửa xe mà còn là nữ thợ hồ, thợ điện nước tài giỏi. Giữa công trình toàn bê tông, sắt thép, một “rừng trai” lại có một “bóng hồng” là cô Nguyễn Thị Hương (50 tuổi, số 42 Tô Hiến Thành, phường Tân Lợi) cầm bay xây như đàn ông.
Lớn lên tại Bắc Ninh nhưng vì gia cảnh khó khăn nên năm 18 tuổi cô Hương theo ông bà vào Đắk Lắk sinh sống. Những ngày đầu nơi đất khách, cô làm phụ hồ kiếm tiền phụ gia đình, song tiền lương ít mà công việc lại nặng nhọc. Thấy làm thợ thu nhập cao, lại khỏe hơn nên cô vừa phụ vừa tự học nghề. “Tranh thủ lúc mọi người nghỉ giải lao tôi lại cầm bay học. Mỗi lần tập xây tốn khá nhiều vữa mà hàng gạch nhìn như muốn đổ, nhiều lúc còn bị trùng mạch. Chặt gạch nhìn dễ nhưng tôi tập mãi, có lần chặt vỡ cả chục viên vẫn không được viên ưng ý. Cũng may, được các anh các chú chỉ dạy thêm nên tôi dần cứng tay. Sau 5 năm vừa làm phụ vừa học thì được lên thợ”, cô kể lại.
Nghề xây dựng với nam đã khổ, với nữ càng vất vả gấp bội khi vừa phải làm tròn bổn phận của người vợ, người mẹ vừa là trụ cột kinh tế trong gia đình. Ngày nào cũng thế, cô Hương bắt đầu làm việc từ 7h sáng đến 5h chiều. “Lắm hôm, phụ trộn vữa nhiều, hết giờ làm mà vẫn phải ở lại làm thêm. Gặp ngày đổ mê, đổ trụ thì làm đến khuya. Về nhà lại lúi húi cơm nước, dọn dẹp, bảo ban con cái học hành đâu vào đó mới được nghỉ. Vất vả vậy chỉ mong sao các con học hành tốt để thoát khỏi cảnh lao động chân tay như mình”, cô tâm sự.
Không chỉ là thợ làm công ăn lương, cô còn đứng ra nhận thầu nhiều công trình tư nhân lớn, nhỏ. Anh Quang, một thợ xây gần nhà cô cho biết: Nhiều năm làm thợ hồ tôi gặp mỗi chị Hương là phụ nữ. Tay nghề chị “cứng” lắm, xây, tô không thua gì các bác thợ cả. Không chỉ vậy, chị còn rành nghề điện nước, khoản này tôi thua xa”.
Suốt mấy chục năm làm nghề, cô được anh em đồng nghiệp nể phục, được sự ưu ái của những chủ nhà khó tính. Vì cuộc mưu sinh, nhiều chị em vẫn ngày đêm lam lũ với nghề không dành cho mình. “Thợ hồ tuy vất vả nhưng cũng có những niềm vui riêng, không chỉ đàn ông mới làm được, chị em phụ nữ cũng không kém gì”, cô Hương quả quyết.