Lương y như từ mẫu

TP - Con sóng của cơ chế thị trường đã làm không ít lương y phải loay hoay vất vả với lo toan cơm áo gạo tiền. Có người phải gồng mình chống đỡ những đợt bão giá trong đồng lương ít ỏi của bác sĩ, có người phải tất tả làm đêm làm ngày, chạy sô từ cuộc mổ này sang cuộc mổ khác, có khi không còn thời gian để ăn...

> Giàu nghèo, đời bác sĩ

Nhưng khi mà đồng lương chưa đủ để cho họ cuộc sống đủ đầy, bên trong những chiếc áo blouse ấy vẫn là những trái tim thiêng liêng, cao cả đầy tình người, luôn hướng về người bệnh. Lời thề Hypocrat từ những ngày đầu tiên họ bước vào giảng đường trường y luôn nhắc nhở họ mang trên mình trọng trách của một từ mẫu là vậy.

Nhiều bác sĩ dù đã có 5 đến 10 năm gắn bó với nghề trong các bệnh viện công nhưng cho đến nay vẫn lủi thủi trong những căn nhà trọ tồi tàn, có những bác sĩ không dám nghĩ đến tương lai vợ con.

Không giống như những ngành nghề khác, một bác sĩ được gọi là thực thụ, làm tốt chức trách của mình phải trải qua 6 năm dùi mài kinh sử và thêm ít nhất 4 năm nữa mới ra lò với thương hiệu một bác sĩ chuyên khoa... nhưng nếu có dịp nhìn vào bảng lương của họ nhận được, không ít người ngậm ngùi.

3 đến 4 triệu đồng mỗi tháng cho một cuộc sống ở thành phố sôi động khi mà vật giá luôn leo thang quả thực là một thử thách không nhỏ. Ấy vậy mà mỗi sáng sớm khi đặt chân vào bệnh viện, vẫn thấy những thầy thuốc mang blouse trắng cười tươi, tận tình giúp đỡ người bệnh, từ chối thẳng thừng những chiếc phong bì lúi dúi vào túi từ thân nhân chăm nuôi người bệnh.

Ấy vậy mà vẫn thấy họ có mặt ở khắp nẻo đường khám chữa bệnh từ thiện, vẫn thấy họ trèo đèo lội suối, cắm bản ở những vùng đất xa xôi hiểm trở của Tổ quốc, dốc hết sức mình để giữ lại sự sống cho bao người bệnh.

Họ gần như hy sinh tất cả để đem lại mầm sống cho con người, nhưng trong cuộc sống với cơ chế thị trường hiện nay, có khi mối quan hệ giữa những từ mẫu ấy và người bệnh lại không mấy mặn mà.

Họ cứu người nhưng có khi lại nhận lại từ chính những người được cứu “sự trả ơn cay đắng”, những lá đơn kiện tụng với đầy lời lẽ nhục mạ, chửi mắng cho dù những rủi ro xảy ra đã được y học ghi nhận không thuộc về lỗi của bác sĩ.

Tôi đã gặp không ít bác sĩ mắt chõm sâu và tóc bạc đi sau những ca dao mổ mà bệnh nhân bị tai biến. Tôi cũng từng chia tay không ít trong số họ khi không chịu đựng nổi áp lực công việc và kiện tụng.

Có người đã phải bán nhà, vay nợ để đền bù, có người bỏ xứ ra đi, có người vĩnh viễn không cầm lại dao mổ…Nhiều bác sĩ đã sợ người bệnh và thân nhân người bệnh như thế.

Nhưng cho đến nay, khi đồng lương chưa được cải thiện, khi vẫn chưa có một tổ chức thực sự bảo vệ nghề nghiệp cho họ, họ vẫn mong manh giữa một bên dốc sức cứu người nhưng lại dằn vặt bởi không biết ai cứu mình.

Nhiều bác sĩ tâm sự họ có quá nhiều áp lực, áp lực với công việc với tình trạng quá tải bệnh nhân, với kiện tụng, với đồng lương còm cõi không đủ gánh vác cho gia đình. Nhưng hình như chưa ai than trách công việc lương y mà mình đã chọn.

Theo Báo giấy