Lương y đã như từ mẫu

TP - Ngay cả trong thời khắc giao thừa, chuông đồng hồ điểm sang năm mới- xuân Tân Mão, một chiếc xe cứu thương vẫn đang hú còi lao tới phòng cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy. Mọi người hối hả đưa băng ca để đẩy bệnh nhân tên P.V.H, 19 tuổi ở Bình Dương trong tình trạng vỡ tạng, vỡ gan, đa chấn thương do tai nạn giao thông vào khoa.
Các bác sĩ khoa cấp cứu BV Chợ Rẫy gần như quên ăn trong những ngày trực Tết

 >> Ma men đại náo bệnh viện
 >> Sản phụ tránh năm Dần, phòng sinh quá tải
 >> Khóc ròng trong bệnh viện vì ăn Tết quá đà

Các bác sĩ khoa cấp cứu BV Chợ Rẫy gần như quên ăn trong những ngày trực Tết . Ảnh: L.N

Chưa kịp nghỉ ngơi, 20 phút sau, một băng ca khác được chuyển vào. Vòng băng keo dán trên tay bệnh nhân ghi tên D.T.N 23 tuổi với tình trạng nứt sọ trán, máu tụ trong do va chạm giao thông.

Hai giờ 40 phút, bệnh nhân L.T.T, 24 tuổi, ở Long An cũng được xe cứu thương đưa đến bệnh viện với chẩn đoán gãy xương đùi nặng, chấn thương đầu mặt cũng do tai nạn giao thông. Trường hợp này được hội chẩn mổ gấp do mất máu…

Những thời khắc đầu tiên của một năm mới đến với những bác sĩ trực Tết ở khoa cấp cứu đầy áp lực như thế. Nhiều ngày của tháng Tết này, rất nhiều các bác sỹ vẫn tất bật “tiếp” nhiều bệnh nhân.

Có mặt ở bệnh viện, chúng tôi được chứng kiến, sau những câu chúc Tết vội vã, các bác sỹ phải cáo lỗi rồi hối hả bắt tay vào công việc, vì những bệnh nhân từ các tỉnh chuyển đến cấp cứu quá đông.

BS CKII Trương Thế Hiệp - Phó Trưởng khoa Cấp cứu BV nói với chúng tôi: “Do liên tục từ 30 Tết tới nay, số bệnh nhân vào quá đông, hầu như tụi anh chẳng còn ăn cơm nổi. Hôm nay chị hộ lý có sáng kiến đổi món hy vọng anh em sẽ ăn được hơn!”.

Ngay từ 30 Tết, khoa đã tiếp nhận 112 ca tai nạn, tăng hơn 31 ca so với 30 Tết năm ngoái. Lượng bệnh nhân dồn dập vào khoa khiến bữa ăn với các y bác sĩ trong mấy ngày qua thường phải áp dụng kiểu “thời chiến” để tiết kiệm tối đa thời gian.

Thay cho chế độ 3 ca 4 kíp của ngày thường, ngày Tết, các bác sỹ phải đôn lên còn 2 ca, một người phải gánh việc gấp đôi, gấp ba ngày bình thường. “Khối lượng công việc nhiều hơn. Hầu như một tua trực của một điều dưỡng khoa cấp cứu trong những ngày này kéo dài từ 7 giờ sáng hôm trước tới 7 giờ sáng hôm sau. Để được ghé về thăm nhà một chút thì phải chi viện lẫn nhau”- bác sĩ Hiệp nói.

Điều dưỡng Đoàn Trần Khoa Em kể: “Sáng mùng 1 em chạy vào khoa trực. Trước đó em đổi ca với một chị khác trong khoa để kịp ăn Tết sớm với cha mẹ ở Bến Tre trọn một ngày. Và liên tục trực từ mùng 2 Tết tới nay”.

Bác sĩ Uyên Thảo trực khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 nói: “Mấy năm trước, tôi không trực đêm giao thừa, năm nay muốn trực để biết cảm giác đón Tết trong bệnh viện ra sao. Vào thời gian này của đêm thì bệnh nhân thường đông, đa số bệnh nặng nên tôi luôn đặt mình trong hoàn cảnh người ta cũng có con cháu bị bệnh, đặc biệt trong những ngày Tết để hiểu hơn về họ”.

Bác sĩ Thanh Bình trực ở khoa Hồi sức bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Tết luôn có những bệnh nặng, khi trẻ đã vào đây thì chúng tôi phải ráng hết sức để lo cho các bé vượt qua được nỗi đau và đặc biệt phải làm sao để mang hương vị Tết đến cho các cháu”.

Dù rất tất bật với hàng loạt ca cấp cứu, có trường hợp phải mổ gấp nhưng các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh- Bệnh viện Nguyễn Tri Phương vẫn dành chút thời gian đi chúc tết tất cả các bệnh nhân đang đón Tết trong bệnh viện.

Bác sĩ Lê Thái Bình Khang- Phó khoa Ngoại thần kinh, đến từng giường bệnh chúc tết các bệnh nhân, tặng bao lì xì mọi người, khiến không ít người bệnh quên đi phần nào nỗi đau mình đang chịu đựng.

Theo Báo giấy