Lương vẫn chỉ để tính bảo hiểm, công đoàn
Dù lương người LÐ hiện chỉ đủ trang trải cuộc sống qua ngày nhưng khi nói về tăng lương tối thiểu năm tới, quan điểm các thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia bên lề phiên họp chiều 9/7 vẫn còn nhiều khác biệt.
Ông Mai Ðức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn LÐ Việt Nam - kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, cho hay: Lạm phát năm nay khoảng 4%, tăng trưởng GDP tới nay đã trên 7%, nên người LÐ cũng phải được hưởng kết quả đó. Ðồng thời, khu vực nhà nước cũng tăng lương gần 7% từ ngày 1/7 vừa qua, nên khối doanh nghiệp cũng phải tăng tương ứng. Phía đại diện người LÐ đề xuất mức tăng lương năm tới ít nhất 8%. Theo ông Chính, Nghị quyết 27 của Trung ương đặt mục tiêu tới năm 2020, lương tối thiểu phải đáp ứng đủ nhu cầu sống tối thiểu của người LÐ. “Với mức lương hiện nay, người LÐ sống khá vất vả, riêng tiền nhà trọ bình quân đã 1 triệu đồng mỗi tháng, điện nước thêm 50-60 nghìn đồng, chưa tính tiền thực phẩm, nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống…”, ông Chính nói.
Về phía giới chủ sử dụng LÐ, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, cho biết: Trước khi tham gia phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, VCCI đã có buổi làm việc với hiệp hội các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tập hợp ý kiến. “Ðại đa số các hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị chưa nên điều chỉnh mức lương tối thiểu trong năm tới, để doanh nghiệp phục hồi, tái đầu tư nhằm nâng cao năng suất LÐ... Chúng tôi sẽ trao đổi với các thành viên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia để có ý kiến cuối cùng”, ông Phòng nói.
Về đề xuất tăng lương 8% của đại diện người LÐ, ông Phòng cho rằng, hiện mức lương tối thiểu đã đáp ứng trên 90% nhu cầu sống tối thiểu, nên mức đề xuất đó quá cao, doanh nghiệp khó đáp ứng. Theo ông Phòng, mức lương tối thiểu nếu có tăng, phải tính tới dư địa để doanh nghiệp có thể tái đầu tư, nâng cao năng suất LÐ, chất lượng sản phẩm… từ đó quay trở lại cải thiện chi trả cho người LÐ.
Mức tăng có thể tương đương năm 2018
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, nhận định, năm tới lương tối thiểu vẫn phải tăng. Với các chỉ số kinh tế - xã hội như hiện nay, ông Huân dự đoán mức tăng lương 5 - 6%. Ðây là mức tăng phần nào giúp tăng thêm thu nhập của người LÐ, trong khả năng doanh nghiệp chịu được.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng, tín hiệu kinh tế năm 2018 rất khả quan, với GDP nửa đầu năm cao nhất trong 8 năm trở lại đây. Dù tiền lương còn phải xét trên các yếu tố khác, như giá tiêu dùng, năng suất LÐ… nhưng theo ông Lợi, lương tối thiểu năm tới vẫn phải tăng, vì hiện lương tối thiểu mới đáp ứng 90-92% nhu cầu sống tối thiểu.
Theo ông Lợi, mức tăng năm tới 6-7% là hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa chủ sử dụng LÐ và người LÐ. Ông cho rằng, hiện khái niệm nhu cầu sống tối thiểu rất rộng, luôn thay đổi và có nhiều yếu tố nội hàm. Do đó, muốn có sự đồng thuận giữa các bên về xác định mức sống tối thiểu, cần có một cơ quan độc lập tính toán dựa trên cơ sở khoa học. Kết quả công bố sẽ được dùng làm căn cứ cho Hội đồng Tiền lương Quốc gia quyết định sẽ phù hợp hơn.
Thứ trưởng LÐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, cho rằng, các bên trong hội đồng sẽ phải đi đến tiếng nói chung về tăng lương năm tới. “Theo Nghị quyết 27, tinh thần cải cách tiền lương là tiến tới Nhà nước sẽ không can thiệp và chính sách tiền lương của doanh nghiệp, thúc đẩy cơ chế thương lượng giữa người sử dụng LÐ và người LД, ông Diệp nói.
Theo ông Doãn Mậu Diệp, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia tính toán và đưa ra mức đề xuất tăng 5,3% so với mức lương năm 2018. Tuy nhiên, phương án này vẫn chưa được các thành viên hội đồng đồng thuận.