Thời gian qua án mạng trong gia đình liên tục xảy ra.
Thời gian qua, liên tục xảy ra nhiều vụ án mạng nghiêm trọng dẫn đến chết người mà hung thủ là vợ hoặc chồng như vụ giết vợ vì nghi ngoại tình ở Hà Nội, và vụ án giết chồng phân xác phi tang ở Bình Dương vừa qua.
Trao đổi với Tiền Phong, luật sư Nguyễn Tri Đức, Cty luật 360, đoàn luật sư TPCHM nhận định về vụ giết chồng chặt xác phi tang: Trong vụ án này thoạt nghĩ đến hành vi nghi phạm phanh thây xác chồng để phi tang thì bất cứ ai trong chúng ta cũng cảm thấy ghê sợ và lên án đối với kẻ thủ ác là người vợ cả.
“Nếu những lời khai ban đầu của nghi phạm là hoàn toàn đúng thì hành vi phạm tội của người vợ chắc chắn sẽ bị pháp luật truy tố với một bản án thích đáng tương xứng với tội danh mình gây nên. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhìn nhận vấn đề này với góc độ mang tính nhân bản riêng thì nghi phạm – người vợ phanh thây xác chồng kia cũng là nạn nhân bởi hệ lụy từ bạo lực, ngoại tình, của sự dồn nén áp bức tâm lý từ người chồng”, luật sư Đức nói.
Tương tự trong trường hợp trên, thực tế lâu nay các vụ án xảy ra đa số các trường hợp vợ chồng sát hại lẫn nhau cũng đều bắt nguồn từ những mâu thuẫn đôi khi rất nhỏ lẻ trong cuộc sống. Hậu quả của việc giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực gia đình kéo theo cả một hệ lụy đau buồn cho con cái, gia đình các bên.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Hoàng Đức Mạnh (trường ĐH Cảnh sát nhân dân) cho rằng, nếu án giết người nói chung đang ở mức báo động thì loại án giết người dạng này phải nâng mức báo động đỏ vì nó đã trực tiếp tác động nguy hại đến truyền thống gia đình. Khi những người thân trong gia đình gây tổn thương cho nhau, thậm chí giết hại lẫn nhau thì điều này đã đi ngược lại các giá trị văn hóa, đạo đức cao đẹp mà chúng ta đang gìn giữ.
Ông Mạnh phân tích các mâu thuẫn trong gia đình nảy sinh là tất yếu, không thể tránh khỏi do sự khác nhau về quan điểm, lối sống, thói quen, tính cách và nhiều yếu tố khác. Tuy nhiên nếu không được giải quyết sẽ tích tụ lại, dồn nén tạo nên sự ức chế về tâm lý.
“Những ức chế tâm lý, về nguyên lý, sẽ không mất đi mà sẽ bộc lộ ra ngoài bằng nhiều hành vi khác nhau. Thông thường, ngòi nổ của “quả bom” ức chế ấy sẽ được kích hoạt khi con người trong trạng thái bị kích thích như: trong lúc say xỉn, lúc tức giận cao độ…”, ông Mạnh nói.
“Điều quan trọng là giúp các thành viên trong gia đình nhận diện các mâu thuẫn và biết cách giải quyết các mâu thuẫn ấy. Còn về giải pháp căn cơ, cần phải giáo dục thế hệ trẻ, con cái trong gia đình tình cảm gắn bó với gia đình”, Tiến sĩ Hoàng Đức Mạnh nhấn mạnh.
Còn Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân (Sở LĐTB&XH TPHCM) cho rằng, cái đáng quan tâm đó là sợi dây liên kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình không được gắn kết khiến họ dễ nảy sinh mâu thuẫn. Khi tình cảm gia đình, tình cảm anh em nhạt nhòa thì hành vi ứng xử, giải quyết mâu thuẫn của họ cũng bạo lực hơn, đỉnh điểm đó là những hành vi theo kiểu giang hồ, chém giết.