Luật bị 'treo'

TP - Chưa kịp mừng vì Luật Khám chữa bệnh ra đời với nhiều thay đổi mang lại không ít lợi ích cho bác sĩ trong hoạt động nghề nghiệp thì nhiều bác sĩ và cơ sở y tế tư nhân bị hẫng khi nhiều điều dù đã được luật ban hành nhưng nghị định và thông tư hướng dẫn cụ thể thì vẫn còn...“treo”.

>> Luật Khám, chữa bệnh có hiệu lực từ hôm nay

Câu chuyện xảy ra với dược sĩ Hoàng - chủ một nhà thuốc ở TPHCM là một ví dụ cho thấy những bất cập cho tình trạng luật “treo”, luật “chờ” hiện nay.

Cách đây gần 3 tháng, anh Hoàng sang lại nhà thuốc cho một đồng nghiệp và đã dọn dẹp biển hiệu, bàn giao mặt bằng cũng như nhận tiền từ đối tác xong nhưng khổ nỗi người mua lại nhà thuốc vẫn cửa đóng then cài bởi không được làm thủ tục cấp giấy chứng chỉ hành nghề mới để hoạt động.

Bán không được trả lại không xong, người mua chạy vòng từ quận lên sở rồi từ sở về quận cả mấy tháng nhưng vẫn bị từ chối cấp giấy phép bởi một lý do đơn giản: do chưa có Thông tư hướng dẫn cụ thể về việc đổi tên từ nhà thuốc và từ dược sĩ này cho dược sĩ khác.

Đó cũng là nỗi niềm chung của hàng nghìn bác sĩ, dược sĩ đã và đang hoạt động hành nghề y tư nhân không chỉ ở TPHCM mà các tỉnh thành khác không biết đến bao giờ mới có thông tư hướng dẫn cho việc xin cấp mới, gia hạn giấy hành nghề, chuyển địa điểm, bổ sung chức năng trong hành nghề y dược tư nhân…

Gần như từng ngày họ đến các sở y tế chờ đợi để đăng ký làm thủ tục nhưng đều bị từ chối bởi phải chờ nghị định và thông tư hướng dẫn của cấp trên. Hỏi khi nào nghị định ra đời thì liền nhận cái lắc đầu “có trời mới biết”.

GS.TS. Nguyễn Vân Nam cho rằng hiện nay các đạo luật của ta đều phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn của chính phủ hoặc các bộ mới có thể được áp dụng trong thực tế. Và việc chậm thi hành luật, điều luật chỉ vì phải chờ thông tư, nghị định hướng dẫn, không chỉ kéo dài thời gian mà còn làm người dân phải chịu thiệt thòi. Và khoản thiệt thòi này vẫn không có ai chịu trách nhiệm.

Thực tế cho thấy Luật khám chữa bệnh ra đời chỉ cấm cán bộ công chức, viên chức tham gia thành lập, điều hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, nhưng không nói đến việc cấm họ thành lập phòng khám tư.

Thậm chí họ còn được phép làm việc ngoài giờ tại các cơ sở khám chữa bệnh tư theo hợp đồng, tạo điều kiện để tiếp tục sử dụng trình độ chuyên môn của cán bộ y tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của cộng đồng dân cư.

Điều này đồng nghĩa việc cấp giấp phép hành nghề mới hay gia hạn giấp phép là phù hợp. Tuy nhiên không hiểu sao cho đến nay Nghị định và Thông tư vẫn “ngủ” gần 3 tháng mà chưa có hướng dẫn cụ thể. Không biết luật bị nghị định thông tư “treo” đến bao giờ ?

Theo Báo giấy