Lớp chọn ngược chống trượt

TP - Kỳ thi tốt nghiệp THPT là một thử thách căng thẳng với nhiều trường THPT có điểm tuyển sinh đầu vào thấp. Hầu hết các trường phải tổ chức lớp học đặc biệt- lớp chọn ngược cho học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp.

Trường THPT Trương Định, Hà Nội là trường có điểm trúng tuyển thấp ở khu vực nội thành Hà Nội. Kể từ khi Hà Nội tổ chức tuyển sinh theo khu vực đến nay, năm nào thành phố cũng cho phép trường được xét tuyển nguyện vọng 3 (còn gọi là nguyện vọng tràn) để gọi đủ chỉ tiêu. Những trường có chất lượng đầu vào thấp như vậy, áp lực đưa học sinh qua được cửa ải kỳ thi tốt nghiệp THPT là rất lớn. “Những trường có chất lượng đầu vào cao thường quan tâm nhiều tới tỉ lệ học sinh đỗ ĐH, CĐ. Còn trường chúng tôi quan tâm đến việc làm sao không để học sinh khối 12 nào bỏ học, đảm bảo tất cả các em đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT”, thầy Nguyễn Dương Quang, Hiệu trưởng trường Trương Định nói.

Đến nay, trong số 540 học sinh lớp 12 của trường Trương Định không có học sinh nào bỏ học và chỉ có một em không đủ điều kiện dự thi. Cô Mã Thị Tới, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 D1 kể: “Hết học kỳ I, lớp tôi có 2 - 3 học sinh có nguy cơ không đủ điều kiện thi tốt nghiệp do học lực kém hoặc hạnh kiểm yếu. Trong hoàn cảnh này, tôi phải động viên các em nỗ lực ôn tập, lấp lỗ hổng kiến thức. Mục tiêu hiện nay của tôi và các giáo viên bộ môn là giúp các em ôn tập làm sao để đạt 5 - 6 điểm/ môn khi đi thi”.

Ngoài trường THPT Trương Định, mỗi khu vực tuyển sinh của các quận nội thành Hà Nội đều có vài trường chất lượng đầu vào thấp: THPT Hoàng Văn Thụ, THPT Hai Bà Trưng - Đoàn Kết, THPT Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân... Các trường này đều phải “đánh vật” với học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp, phải tổ chức một lớp học đặc biệt ngoài buổi học chính khóa cho học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp. “Sau khi có điểm tổng kết học kỳ I, chúng tôi lập danh sách học sinh có kết quả học tập yếu, kém tuỳ theo môn rồi họp phụ huynh để cùng bàn cách tháo gỡ. Thoạt tiên phụ đạo cho những em yếu kém các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ. Khi có thông báo môn thi tốt nghiệp, chúng tôi lập thêm danh sách lớp học đặc biệt cho ba môn còn lại”, một lãnh đạo trường THPT Hai Bà Trưng - Đoàn Kết cho biết.

Ở trường Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân, giáo viên cho lớp học đặc biệt này được lựa chọn từ đội ngũ có chuyên môn vững, có trách nhiệm đối với học sinh. Trong khi đó, Trường Hoàng Văn Thụ kêu gọi chi đoàn giáo viên đứng ra đảm trách các lớp học đặc biệt... Ngoài buổi học chính khóa, mỗi tuần học sinh yếu, kém trong toàn khối 12 có 3 - 4 buổi học chung trong những lớp chọn ngược. Yếu môn nào, học lớp chọn ngược môn ấy.

Thay vì tổ chức lớp chọn ngược như các trường khác, trường Trương Định đưa ra tiết học thứ 6 với tất cả lớp 12. Tức là hết buổi học 5 tiết, học sinh yếu kém phải ở lại lớp học để giáo viên bộ môn đến hỗ trợ ôn tập - tiết thứ 6. “Đặc trưng của trường là học sinh đến từ khắp nơi trong thành phố nên tổ chức thêm một buổi học trong ngày sẽ gây khó khăn cho các em. Hơn nữa, chúng tôi cố gắng tránh tạo áp lực cho học sinh, làm sao để các em không thấy nản vì phải học suốt ngày”, thầy Ngô Quốc Bảo, Phó Hiệu trưởng giải thích.

“Các em học kém hầu hết ngại học nên những yêu cầu thông thường như đi học chuyên cần, ghi bài đầy đủ, chăm chú nghe giảng... đều quá sức đối với các em, nói gì đến việc làm bài tập. Muốn các em tiến bộ, thầy cô phải hết sức nhẫn nại, không đòi hỏi cao cũng không đưa ra quá nhiều yêu cầu vào một thời điểm”, một giáo viên trường THPT Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân chia sẻ. Cô Mã Thị Tới, trường Trương Định cho biết: Kiểm tra thật nhiều và không để cho học sinh nào có thời gian rảnh rỗi khi ngồi trên lớp cũng là kinh nghiệm ôn tập cho học sinh yếu kém.

Theo Báo giấy