Long 'Yêu Quạt Xưa' lập bảo tàng

TP - Trong giới đồn thổi đã có hàng nghìn chiếc quạt cổ qua tay Long Yêu Quạt Xưa. Và anh có thể “bán quạt mua đất”. Thực hư ra sao?
Long Yêu Quạt Xưa say mê thuyết minh về quạt cổ
Long Yêu Quạt xưa say mê thuyết minh về quạt cổ.

Mê quạt quên ăn quên ngủ

Long chỉ chuyên về quạt Marelly, một nhãn hiệu quạt Ý có từ cuối thế kỷ 19. Loại quạt này siêu bền và có kiểu dáng hết sức độc đáo, đa dạng. Trên thế giới có khá nhiều người sưu tập quạt cổ và cũng có rất nhiều người sưu tập riêng về Marelly.

Nổi tiếng trong giới chơi quạt cổ Hà Nội, có ông Phúc ở Tạ Hiện, ông Thuấn ở số 2 Hàng Điếu. Nhiều nghệ sĩ, họa sĩ cũng là đệ tử của thú chơi này.

Không gọi điện thoại để liên tục hỏi đường thì không thể tìm được nhà của Long trong hệ thống ngõ ngách của đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội). Nhưng được cái đến cách nhà anh vài ngõ thì già trẻ lớn bé đều biết Long quạt và nhiệt tình chỉ dẫn.

Ngôi nhà hai tầng nhỏ bé cũ kỹ của anh chất đầy quạt, từ sân, bếp đến cầu thang. Riêng tầng hai chất đầy các bộ phận, linh kiện quạt và đồ nghề. Chật đến nỗi nhà Long không có giường, và hai đứa trẻ thì lúi húi học bài trong một ngách hẹp dưới gầm cầu thang.

“Nhà em quạt lấn cả người”, “Người ta nói có khoảng 2.000 chiếc quạt đã qua tay Long, đúng không?”, “Chơi 20 năm rồi, em cũng chẳng nhớ nổi nữa. Thì mình liên tục mua, cái thì giữ lại, cái có rồi thì sửa, phục chế lại cho tử tế rồi bán, đổi nên cũng không nhớ hết được. Chỉ biết hôm vừa rồi vợ em có kiểm lại, thì trong nhà có trên 800 cái!” - Long cười, nụ cười trẻ hơn cái tuổi 40 (sinh năm 1971). Anh vui tính, hay chuyện, một ví dụ: địa chỉ e-mail của Long là: longdeptrai1971@yahoo.com.vn.

Kỳ quặc, nhiều quạt cổ, giá trị, nhưng chiếc quạt để cả nhà Long dùng lại là chiếc quạt điện cơ nội han gỉ.

Một chiếc quạt Marelly sản xuất khoảng đầu thế kỷ 20.

“Bây giờ, nếu cần 1.000 - 2.000 USD mua cho con gái cái xe máy đi học thì chẳng có, nhưng nếu thấy một cái quạt Marelly cổ chưa có thì lại xoay được ngay” - Vợ Long nói, ngôn từ thì như ca cẩm về ông chồng, nhưng mắt lại ánh lên vẻ trìu mến.

Long có vẻ hơi ngượng, rồi chia sẻ rằng niềm đam mê của anh đã lây lan sang cả nhà. Vợ và hai đứa con anh cũng đều mê quạt cổ, và ngoài những lúc học hành hay làm lụng, thì cũng tẩn mẩn lau chùi ngắm nghía quạt như anh.

Tất cả những người chơi đồ cổ, đồ cũ tôi gặp đều nói riêng về quạt cổ thì Long thuộc loại số 1 về hiểu biết và trình độ phục chế. Dưới bàn tay anh, những chiếc quạt cũ nát như đống sắt gỉ trở lại gần như thuở ban đầu.

Gặp người chịu chuyện, Long say sưa kể về 6 thế hệ quạt Marelly với trên 130 sản phẩm mẫu mã khác nhau. Anh khoe chiếc quạt Marelly sản xuất tại Mỹ trước năm 1918, thao thao phân tích nó khác một chiếc hao hao như thế ở chỗ nào. Nghe mới biết riêng chỉ một nhãn hiệu quạt mà có bao nhiêu sự khác biệt tinh tế: Cánh cắt, cánh lá bàng, cánh vuông, cánh lòng máng; Số gạt, số xoay; Lồng 9 nan, lồng 8 nan, chân xòe, chân hoa…; Chổi than đằng trước, đằng sau.

Anh thao thao nói về những chiếc quạt Marelly mạ crôm, niken có niên đại từ 1890 - 1920, những nước gôm tồn tại cả nửa thế kỷ. Rồi nhân tiện khoe mình đã tìm ra công thức để gôm lại mà chất lượng không kém, lại chỉ dùng sơn nội. Khoe cách cân cho cánh quạt đều, khoe chiếc lồng quạt đồng mình chế tác bằng tay…

Trước khi gặp Long, nghe giang hồ nói anh để râu, nhưng gặp thì thấy anh cạo nhẵn, hỏi, anh cười: “Em có định để râu đâu, nhưng có hồi gặp được một con quạt mê quá, cứ cắm đầu vào nghiên cứu, phục hồi, đến bữa cũng chẳng ăn. Nói thật là còn chẳng muốn vào nhà vệ sinh nữa thì cạo râu vào lúc nào?”.

Người trong giới xác nhận Long không rượu bia, không la cà gái mú, không động đến quân cờ hay lá bài, chỉ trà đặc và thuốc lá. Có phải là vì mê quạt lấn át hết cả?

Bảo tàng quạt cổ - tại sao không?

Chả hiểu lời đồn thổi của giang hồ có đúng không? Rằng số quạt Long sở hữu trị giá nhiều tỷ, có thể “bán quạt mua đất” được. Long nhẹ nhàng xác nhận, mơ ước của anh nhiều năm nay là có được một bảo tàng tư nhân riêng về quạt Marelly, và anh quyết định thực hiện trong mùa xuân Tân Mão này. Cụ thể, anh đang thanh lọc số quạt mình có, bán đi.

Chơi với sự đam mê và hiểu mọi ngóc ngách như Đỗ Ngọc Long (nổi danh trong giới với tên Long Yêu Quạt Xưa) thì chỉ có thể so sánh với một nghệ sĩ tài danh trong lĩnh vực nghệ thuật của mình.

“Ra giêng em sẽ không nhập quạt nữa mà chỉ bán ra để mua khoảng 150-200 m2 đất, làm một bảo tàng tư nhân nhỏ”, “Bảo tàng?!” “Vâng, em thích gọi thế, còn thì thực chất nó là nơi mình bầy bộ sưu tập của mình, cho anh em đến ngắm nghía, sờ mo, phân định thật giả” - Long trần tình.

Sở dĩ Long có được nhiều quạt Marelly cổ giá trị vì anh có nghề sửa chữa và phục chế quạt thuộc loại cao thủ, danh tiếng vượt qua biên giới, nên quạt từ bốn phương cứ như bị hút vào. Gọi điện cho Long, lần thấy anh nói đang sửa lô quạt này lô quạt nọ cho người bên Pháp, bên Mỹ, lần thấy anh khoe có người bạn bên Anh, có chiếc quạt quý hiếm, đã phải gửi qua Mỹ phục chế nhưng không ưng ý, anh ta kéo lại, rồi gửi về Việt Nam nhờ Long làm hộ.

Long nói, anh thường xuyên e-mail, chat chít với khoảng 30 người bạn thân thiết, đều là các nhà sưu tập trên thế giới bằng… tiếng Anh. Tôi hơi ngạc nhiên và nghi ngại, vì biết anh vốn không biết đến một từ tiếng Anh. Thì ra, anh dùng chức năng dịch thuật của Google. “Mình muốn nói gì cứ phang vào, rồi nó dịch ra, mình dùng cái đó gửi đi!” Ai cũng biết chức năng dịch thuật này còn khá hạn chế, lắm khi nó cho ra những câu cười ra nước mắt, nhưng Long bảo không sao, vì luận ra được hết!

Có lẽ cách làm này là đáp án về thành công của Long Yêu Quạt Xưa, một người thành danh từ sự đam mê, và từ ý chí mày mò tự học.

Theo Báo giấy