Cứ mùng 6 tháng Giêng âm lịch hằng năm, đồng bào Tày - Nùng ở xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) lại nô nức kéo về cánh đồng bằng phẳng ở thôn 3 tổ chức Lễ hội Lồng Tồng, thu hút rất đông bè bạn đồng hương trên toàn tỉnh về chung vui .
Theo tiếng Tày – Nùng, Lồng là xuống, Tồng là đồng; Lồng Tồng nghĩa là Xuống đồng, lễ hội đầu tiên của năm mới nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no, vui vẻ. Vì vậy, hội Lồng Tồng còn có các tên gọi khác là hội cầu mưa, hội cầu mùa.
Lễ hội Lồng Tồng đã tồn tại trong văn hóa của người Tày - Nùng từ rất lâu đời. Hơn 20 năm trước, họ di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc của Tổ quốc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang… vào Tây Nguyên lập nghiệp.
Thời gian đầu cuộc sống còn khó khăn, họ đành để lễ hội gián đoạn. Những năm gần đây thôn xóm ấm no sung túc, họ lại khôi phục, bảo tồn lễ hội. Được chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện, lễ hội ngày càng được tổ chức thuận lợi và quy mô. Các dân tộc khác như Kinh, Dao, Ê đê, Vân Kiều… cũng đến chung vui.
Trò chơi bịt mắt đánh trống
Trước ngày diễn ra lễ hội, cánh đồng của thôn được dọn dẹp sạch sẽ, người dân háo hức kéo đến từ rất sớm. Mở đầu ngày hội là lễ cầu khấn cho mùa màng tốt tươi được thực hiện do các thầy tào (thầy cúng) tiến hành.
Lễ vật gồm gà luộc, thịt lợn quay, xôi, bánh chưng, bánh dày, bánh khảo, bánh khẩu si, ngũ quả, hoa, gạo, rượu và nước lá chanh, trứng vịt luộc được nhuộm đủ màu… Thầy tào là hai phụ nữ có uy tín, lễ cúng được thực hiện rất bài bản và công phu, kéo dài hàng giờ đồng hồ.
Trước khi vào lễ cúng, thầy cúng lấy giấy màu cắt hình người và hình ngựa với ngụ ý đi nhanh, đi khỏe, lời cầu khấn sẽ nhanh chóng đến được với thần nông vị thần cai quản ruộng đồng, vườn tược, gia súc, làng bản. Sau các bài cúng, thầy tào vẩy nước với ngụ ý nước sẽ về với ruộng đồng.
Tiếp đến là phần hội, với các hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc, ban ngày thi các trò chơi dân gian và nghệ thuật ẩm thực như: Gói bánh chưng, giã bánh dày, qua cầu kiều, tung còn, đi cà kheo, bịt mắt đánh trống, đánh yến, đánh cù, kéo co, chọi gà, thi chim cảnh… Người thắng cuộc ở mỗi trò chơi được thưởng một món quà nhỏ. Đêm đến là phần thi Hát then, Hát lượn, Đàn tính và giao lưu văn nghệ với các dân tộc.
Có lẽ Tung Còn là trò chơi đặc trưng nhất của dân tộc Tày - Nùng, bởi các dân tộc khác không có. Ðể chuẩn bị cho phần thi này, giữa đám ruộng lễ hội, người ta dựng một cây mai cao 20m - 30m làm cột.
Trên đỉnh cột có uốn vòng tròn đường kính 50cm - 60cm dán giấy hai bên, đề chữ Nhật - Nguyệt ở hai bên tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng. Quả còn được làm bằng vải màu, trong nhồi gạo hoặc ngô, có tua rua nhiều màu sắc.
Theo quan niệm của người Tày - Nùng, trong ngày hội có người Tung còn trúng vòng tròn làm rách giấy thì năm đó làm ăn mới thuận lợi, mưa thuận gió hòa. Nhưng để tung trúng vòng tròn không hề đơn giản, đòi hỏi người chơi phải có sức khỏe và sự khéo léo.
Trong trò chơi này, nam nữ thanh niên đang tuổi hẹn hò tung quả còn cho nhau, chàng trai thấy ưng ý cô gái nào, thì tung quả còn cho cô gái đó, nếu cô gái bắt lấy quả còn, chứng tỏ cô gái cũng mến chàng trai, tương tự như trò chơi ném Pao của người dân tộc Mông ở miền núi phía Bắc.
Đây là lần thứ sáu lễ hội Lồng Tồng được tổ chức trên đất Cư M’gar. Ai từng đến dự Lễ hội Lồng Tồng cùng người dân nơi đây sẽ không thể quên không khí vui tươi của người dân, không phân biệt già, trẻ, lớn, bé trong những bộ trang phục rực rỡ cùng hội tụ. Rất đẹp hình ảnh các thiếu nữ e thẹn trước những chàng trai tung còn tìm bạn, má ửng hồng dưới nắng xuân nhuộm màu đất bazan Tây Nguyên.