Tốt nghiệp thủ khoa và được tuyên dương 2016, N.T.L cho biết em làm việc hơn một năm tại Hà Nội. Sau khi được tuyên dương, em cũng nhận được lời hứa hẹn của Sở Nội vụ Hà Nội là sẽ giới thiệu về làm việc tại cơ sở công lập. Nhưng sau hơn một năm không thấy phản hồi nên em tìm hướng khác.
“Không nhận được phản hồi không phải là thất vọng mà như kiểu niềm tin sụp đổ. Thực ra bao nhiêu năm vinh danh rồi nhưng chưa bao giờ đảm bảo được hết việc làm cho thủ khoa. Cũng không có gì lạ” – N.T.L chia sẻ
Do đó, em đã chọn con đường về quê công tác tại một cơ sở ngoài công lập. Vì về địa phương, L cũng không nhận được bất cứ lời mời nào vào làm việc tại các cơ sở công lập. Tuy nhiên, em cho biết, em đang rất hài lòng với công việc hiện tại của mình.
Tốt nghiệp thủ khoa trường ĐH Sư phạm Hà Nội, N.T.N năm 2016 không đợi lời hứa, hay lời mời, em nộp hồ sơ xin giảng dạy hợp đồng tại trường THPT nơi em từng học tập. Em cho biết công việc hiện tại của em tại trường như tất cả các giáo viên khác. Em đợi có kỳ thi biên chế thì sẽ đăng ký tham gia. Công việc hiện tại em cũng không có gì phàn nàn.
Còn Vũ Linh Chi, thủ khoa Học viện Nông nghiệp 2017 lại chọn một ngã rẽ khác hoàn toàn với ngành đã học. Linh Chi vốn thích nghề trang điểm, tốt nghiệp xong, em đi làm công việc mình đam mê. Em thấy đó cũng tốt và có dịp để thử sức mình.
Một thống kê cho thấy, trong 13 năm vinh danh hơn 1.300 thủ khoa xuất sắc, Hà Nội tuyển được 10% số này về làm việc tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp.
Trong khi đó, với Nguyễn Thị Nhàn, thủ khoa trường ĐH Xây dựng ngay khi tốt nghiệp đã được giữ ở lại trường. Tuy nhiên, sau khi làm việc tại trường một thời gian. Nhàn quyết định ra ngoài khởi nghiệp cùng với người thân của mình lập công ty riêng. “Em muốn ra ngoài để học hỏi kinh nghiệm một thời gian. Sau đó sẽ học tiếp rồi mới quyết định ổn định công việc” – Nhàn cho hay.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của Tiền Phong, đầu năm 2017, UBND TP Hà Nội đã có quyết định công nhận kết quả tuyển dụng công chức năm 2016 diện tiếp nhận không qua thi tuyển đối với thủ khoa xuất sắc được Chủ tịch UBND TP tặng bằng khen. Trong quyết định này, có 25 thủ khoa được tuyên dương năm 2016 đã trúng tuyển sau khi vượt qua đợt sát hạch. Trong số những thủ khoa trúng tuyển không có thủ khoa nào trong ngành giáo dục của Thủ đô.
Một thống kê cho thấy, trong 13 năm vinh danh hơn 1.300 thủ khoa xuất sắc, Hà Nội tuyển được 10% số này về làm việc tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp. Lý giải việc không làm việc cho cơ quan nhà nước, nhiều thủ khoa cho hay thường tự tìm hướng đi từ khi còn là sinh viên năm nhất, năm hai. Trong quá trình học có rất nhiều tổ chức hoặc chính nhà trường có học bổng ưu đãi lớn để thu hút chất xám về "đầu quân" cho họ
Thủ khoa đi đâu, về đâu?
Với con số hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp sau khi ra trường mỗi năm, việc thủ khoa cất bằng đi làm những công việc phổ thông đã trở thành vấn đề không mới. Điển hình như câu chuyện về cô thủ khoa đầu ra trường Đại học sư phạm Hà Nội 2 không xin được việc, về nhà phụ mẹ bán hoa, nuôi lợn khiến nhiều người người tự hỏi về giá trị của tấm bằng thủ khoa.
Theo báo cáo điều tra lao động việc làm quý I năm 2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ ngành nghề chưa có việc làm cao nhất là Kinh doanh và quản lý (27,9%), Công nghệ kỹ thuật (13,6%), Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên (13,5%). Trong số những người chưa có việc làm đó, có bao nhiêu thủ khoa?
Hiện tại, vẫn chưa có con số thống kê chính xác về số lượng thủ khoa thất nghiệp hay làm trái ngành trái nghề. Nhưng những câu chuyện về Thủ khoa chật vật tìm việc, thủ khoa 'cất bằng trong tủ' để về quê vẫn khiến không ít người nghi ngại.
Chính sách mới về thu hút nhân tài bắt đầu có hiệu lực
Từ ngày 20/1, Nghị định số 140/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ bắt đầu có hiệu lực. Theo đó đối tượng, tiêu chuẩn áp dụng chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ bao gồm:
Sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc tại cơ sở giáo dục đại học ở trong nước hoặc nước ngoài được công nhận tương đương về văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật có kết quả học tập và rèn luyện xuất sắc các năm học của bậc đại học, trong độ tuổi quy định tại Điều 1 Luật thanh niên tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự tuyển và đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau đây:
- Đạt giải ba cá nhân trở lên tại một trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, đạt giải khuyến khích trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc Bằng khen trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi quốc tế thuộc một trong các môn khoa học tự nhiên (toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học) và khoa học xã hội (ngữ văn, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ) trong thời gian học ở cấp trung học phổ thông;
-Đạt giải ba cá nhân trở lên tại cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia hoặc quốc tế trong thời gian học ở cấp trung học phổ thông hoặc bậc đại học;
- Đạt giải ba cá nhân trở lên tại cuộc thi Olympic thuộc một trong các môn toán, vật lý, hóa học, cơ học, tin học hoặc các chuyên ngành khác trong thời gian học ở bậc đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.
Người có trình độ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú, dược sĩ chuyên khoa cấp I chuyên ngành y học, dược học trong độ tuổi quy định tại Điều 1 Luật thanh niên tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự tuyển và đáp ứng đủ các tiêu chuẩn sau đây:
- Đạt tiêu chuẩn quy định tại điểm a hoặc điểm b hoặc điểm c khoản 1 Điều này;
- Tốt nghiệp đại học loại khá trở lên và có chuyên ngành đào tạo sau đại học cùng ngành đào tạo ở bậc đại học.
Người có trình độ tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp II chuyên ngành y học, dược học trong độ tuổi theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự tuyển và đáp ứng đủ các tiêu chuẩn quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này.
Nguyên tắc thực hiện chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ phải bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa các khâu phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng và đãi ngộ. Bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật, công khai, minh bạch, khách quan và cạnh tranh.
Ưu tiên bố trí số biên chế nhà nước chưa sử dụng để thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ vào làm việc nhưng phải phù hợp với ngành nghề đào tạo và vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức, đơn vị.