> Làm dâu xứ lạ - 'Những chép nhặt trên đất Hàn'
> Chỉ ba ngày là có chồng Hàn Quốc
Những đứa trẻ trong gia đình đa văn hóa
Không biết bất ngờ thật hay chỉ là cách nói ngoại giao, nhưng khi trao đổi với các thành viên đoàn công tác, nghiên cứu của T.Ư Đoàn, Giáo sư Shin Ki Won đến từ Đại học Shinsung, nói rằng, không ngờ người trẻ Việt Nam lại đẹp thế.
Trong một trao đổi liên quan chuyện đàn ông Hàn Quốc cưới vợ Việt Nam, ông hóm hỉnh: “Tôi rất hối hận vì không cưới được vợ Việt Nam”, ý là khen các nữ cán bộ đang ngồi đối diện xinh đẹp và duyên dáng “ngoài dự đoán”! Rồi Giáo sư lại nghiêm nghị. Ông xin lỗi vì một số chuyện không hay xảy ra với cô dâu Việt trên đất Hàn thời gian qua. Ông thấy mình có một phần lỗi trong chuyện này…
Một số người lấy vợ nước ngoài, trong đó có Việt Nam, thường là không lấy được vợ trong nước. Họ có thể là người thiếu việc làm ổn định, lao động tự do và kinh tế không khá giả, thậm chí có những vấn đề khác nữa về thể chất, tinh thần… Các cô gái Việt Nam phải cẩn thận, suy nghĩ thật kỹ trước khi lấy chồng Hàn Quốc.
Giáo sư Shin Ki Won (Đại học Shinsung, Hàn Quốc)
Giáo sư Shin Ki Won đặc biệt quan tâm những đứa trẻ sinh ra trong gia đình đa văn hóa, trong đó có các bé mang dòng máu Việt - Hàn. Mẹ nói tiếng Việt, bố nói tiếng Hàn; đi học nói tiếng Hàn, về nhà vừa nói tiếng Việt, vừa nói Hàn, đang khiến đứa trẻ phát triển lệch, rối và thiếu định hướng văn hóa. Dẫu biết là đa văn hóa, có sự khác biệt, trộn lẫn, nhưng các gia đình chưa thật sự chủ động nên lúng túng trong nuôi dạy con. Hiện nay các tổ chức, các trung tâm văn hóa, hội phụ nữ… ở Hàn đang dùng nhiều biện pháp giúp đỡ những bà mẹ, em bé của gia đình đa văn hóa. Nhưng những nỗ lực của các tổ chức vẫn chưa theo kịp diễn biến của cuộc sống. Những xung đột, va đập văn hóa chưa được dung hòa một cách có hệ thống khiến trên thực tế vẫn xảy ra những chuyện không vui, phiền lòng cơ quan chức năng hai nước. “Thời gian qua, tôi đọc trên báo chí chuyện cô dâu Việt bị đối xử không tốt, thậm chí phải tìm đến cái chết. Tôi rất buồn về điều đó…”, Giáo sư Shin Ki Won, chia sẻ.
Trong một chuyên đề trao đổi “giống và khác nhau giữa văn hóa Hàn - Việt”, Giáo sư Keum Gi Hyung (Đại học Quốc gia Chungnam, Hàn Quốc), người có ba năm làm việc tại Việt Nam cũng đã đề cập sâu câu chuyện phát triển của những đứa bé trong gia đình đa văn hóa. Ông đang nghiên cứu văn hóa Việt - Hàn và coi gia đình đa văn hóa là vấn đề rất quan trọng. Theo Giáo sư Keum Gi Hyung, hiện có 170.000 người trong gia đình Hàn - Việt. Giáo sư đã kết hợp với một số giáo sư, họa sỹ Việt Nam biên soạn cuốn sách song ngữ Việt - Hàn với các hình ảnh minh họa làm cẩm nang giúp các bà mẹ, ông bố và những đứa con mang dòng máu Hàn -Việt hiểu một cách tổng quát văn hóa hai nước. “Tuy nhiên, đó vẫn là chưa đủ”, GS Keum Gi Hyung nói. Ông chiếu video clip cậu bé Min Woo (con của gia đình mẹ Việt, bố Hàn) nhảy Gangnam style nổi tiếng khắp thế giới để nhấn mạnh rằng, cần tạo môi trường tốt để những “hạt giống đa văn hóa” phát triển.
Lời khuyên của giáo sư
Nói về cô dâu Việt tại Hàn Quốc, Giáo sư Shin Ki Won cho rằng, một nửa sống hạnh phúc (hiện có 70.000 cô dâu Việt tại quốc gia này), số còn lại đang gặp vấn đề về khác biệt ngôn ngữ, văn hóa. Ông cũng đề nghị T.Ư Đoàn, cũng như các cơ quan chức năng ở Việt Nam quan tâm nhiều hơn điều này để cùng Hàn Quốc giải quyết vấn đề trẻ em trong các gia đình đa văn hóa. Ông cũng gợi ý nên tổ chức nhiều hơn các trại hè, các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước.
Chia sẻ với các thành viên trong đoàn công tác của T.Ư Đoàn về vấn đề hôn nhân của đàn ông Hàn Quốc, về cuộc sống của cô dâu Việt tại đây, Giáo sư Shin Ki Won chia sẻ: Học tập, việc làm và hôn nhân là những mối quan tâm hàng đầu của thanh niên Hàn Quốc. Cả ba mối quan tâm ấy đều đang ở mức căng thẳng. Hiện nay, có khoảng 80% thanh niên Hàn Quốc chọn con đường vào đại học. Cũng như Việt Nam, bố mẹ Hàn cũng đầu tư lớn cho việc học hành của con cái. Thế nhưng, việc làm đúng ngành nghề, đúng sở trường cho sinh viên đang ngày càng ít đi. Hôn nhân cũng vậy, đang có sự mất cân bằng giới. Người Hàn còn tư tưởng thích sinh con trai. Bên cạnh đó, sức ép công việc, học hành khiến giới trẻ Hàn dành thời gian cho tình yêu, hôn nhân ít đi. Đã xuất hiện nhiều mô hình gia đình mới trong xã hội hiện đại, phá vỡ nhiều yếu tố truyền thống. Hôn nhân cũng vì thế mà dễ tan vỡ. Đàn ông coi trọng sự nghiệp, phải có việc làm ổn định, có nhà, có thu nhập cao mới có giá, mới cưới vợ…
Trước câu hỏi của PV Tiền Phong “với sức ép hôn nhân trong nước, Giáo sư nghĩ gì khi càng ngày có càng nhiều người Hàn sang Việt Nam tìm vợ”. Ông nói: “Tôi đồng ý người Hàn kết hôn với người nước ngoài. Nhưng các bạn cần phải biết, một số người lấy vợ nước ngoài, trong đó có Việt Nam, thường là những người không lấy được vợ trong nước. Họ là những người có thể là thiếu việc làm ổn định, lao động tự do và kinh tế không khá giả, thậm chí có những vấn đề khác nữa về thể chất, tinh thần… Các cô gái Việt Nam phải cẩn thận, suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định lấy chồng Hàn để tránh những chuyện không hay”.
Trong các buổi làm việc với các giáo sư, chị Nguyễn Thị Hà, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư, Trưởng đoàn công tác, học tập nghiên cứu của T.Ư Đoàn tại Hàn Quốc, rất quan tâm vấn đề cô dâu Việt, những đứa trẻ mang dòng máu Việt - Hàn và cũng đã trao đổi qua lại với các giáo sư trong việc đề xuất, tìm biện pháp tháo gỡ.
Trên chuyến bay từ Hàn Quốc về Hà Nội, tôi ngồi cạnh chị Nguyễn Thị Hương (Thủy Nguyên, Hải Phòng). Chị lấy chồng Hàn qua một người bạn giới thiệu. Chị sống tại Hàn 5 năm và đã nhập quốc tịch. Tôi hỏi: “Chị có gặp vấn đề gì khi làm dâu ở Hàn không?”, chị cười: “Bình thường anh ạ”. Sau 5 năm, đây là lần đầu tiên chị về thăm quê. Đứa con trai hơn 3 tuổi không nói được tiếng Việt. Chị bảo: “Nó đi nhà trẻ, cô nói tiếng Hàn. Về nhà em và bố nó, ông bà đều nói tiếng Hàn”. Hỏi: “Vậy cháu về quê sẽ như thế nào, chị sẽ dạy tiếng Việt chứ?”. Chị cười: “Em cũng chưa biết phải làm gì. Ra tết lại sang Hàn, hy vọng nó biết được chút tiếng Việt để nói chuyện với ông bà ngoại”.
Những gợi ý ghi nhận từ các thành viên đoàn công tác T.Ư Đoàn tại Hàn Quốc
Trao đổi với các thành viên đoàn công tác T.Ư Đoàn (lãnh đạo các ban T.Ư Đoàn; bí thư, phó bí thư các tỉnh, thành Đoàn), PV Tiền Phong ghi nhận một số suy nghĩ, kiến nghị có thể bắt tay thiết kế các chương trình hành động, nhân câu chuyện cô dâu Việt và vấn đề “gia đình đa văn hóa ở Hàn Quốc” có yếu tố Việt Nam mà đoàn tìm hiểu, nghiên cứu:
1. Các tổ chức Đoàn (tỉnh - huyện - xã - chi đoàn) thường xuyên nắm bắt thông tin, tuyên truyền định hướng giúp các nữ thanh niên có ý định lấy chồng ngoại (đặc biệt tại một số vùng đang chiếm tỷ lệ lấy chồng ngoại cao như Đồng bằng sông Cửu Long, vùng nông thôn, miền núi…) giúp họ nhận thức đúng về tình yêu, hôn nhân có yếu tố nước ngoài, tránh xảy ra chuyện tụ tập tham gia các buổi tuyển vợ của đàn ông ngoại quốc, chấp nhận những cuộc hôn nhân đầy rủi ro cho bản thân và làm ảnh hưởng hình ảnh đất nước. Tại một số địa phương đang có tỷ lệ lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan cao thì từ cấp chi đoàn có thể đưa vào nội dung sinh hoạt định kỳ, tổ chức các mạng lưới tuyên truyền viên, thiết kế lồng ghép tuyên truyền trong các hoạt động đặc thù của Đoàn tại địa phương.
2. Các chi hội Phụ nữ cần bảo vệ quyền lợi chị em bằng cách tuyên truyền vận động, thay đổi nhận thức trong hôn nhân với người nước ngoài. Cần kết hợp với tổ chức Đoàn tìm ra các cách làm sáng tạo,
hiệu quả.
3. Ban chuyên môn của T.Ư Đoàn có liên quan, các trung tâm thanh niên hợp tác với nước ngoài… nên thiết kế các chương trình, cùng các nước giải quyết vấn đề xung đột trong gia đình đa văn hóa, chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho thanh thiếu niên, đặc biệt thế hệ sinh ra lớn lên ở nước ngoài, tránh việc thế hệ này không biết tiếng Việt, không hiểu văn hóa Việt.
4. Hệ thống xuất bản của T.Ư Đoàn nên kết nối với các trung tâm văn hóa (và các cơ quan liên quan) xuất bản và phát hành các ấn phẩm phục vụ người Việt ở Hàn Quốc nói riêng và nước ngoài nói chung, trong đó đặc biệt quan tâm lứa tuổi thanh thiếu thi.
L.A.Đ
Tổng hợp