Lợi ích nhóm?

TP - Trước sự đóng băng của thị trường bất động sản, e ngại cho nguy cơ phá sản của hàng loạt doanh nghiệp, vừa qua Bộ Xây dựng gửi một bản kiến nghị đến Ngân hàng Nhà nước đề nghị xem xét phân loại để có thể “mở” tín dụng với một số loại hình, dự án.

Theo kiến nghị đó, tất yếu sẽ có một số doanh nghiệp được “giải cứu” khỏi cơn đói vốn hiện nay. Khi được hỏi, một quan chức ngân hàng nói ngắn gọn: “Sâu xa là lợi
ích nhóm” (?).

Những ngày này câu chuyện Ford Việt Nam cùng một số doanh nghiệp ô tô khác đang “kêu” để được miễn hàng trăm tỷ đồng tiền thuế với lý do công nghệ thay đổi, chính sách về xác định mức độ rời rạc của linh kiện chưa cập nhật. Một doanh nghiệp cũng trong ngành ô tô nhận định: “Vẫn là lợi ích nhóm” (?).

Các nghiên cứu từ thập niên 1950, đã chỉ ra rằng, lý thuyết về nhóm lợi ích đã đem lại hiểu biết sâu sắc về nhà nước, trở thành xương sống của phân tích chính sách hiện đại. Đơn cử, đằng sau các chính sách của nhà nước (chẳng hạn, bảo hộ công nghiệp ô tô), luôn có những nhóm người hưởng lợi (các tập đoàn sản xuất ô tô trong nước) và những nhóm bị thiệt thòi (người tiêu dùng, các nhà nhập khẩu).

Các nhóm này có xu hướng liên kết lại thành các nhóm/tập đoàn lợi ích để cùng nhau gây ảnh hưởng lên chính sách theo hướng có lợi nhất cho mình. Các nhóm lợi ích không có mục tiêu giành quyền lực, mà gây ảnh hưởng “mềm” để có được đặc quyền. Họ muốn hai thứ từ nhà nước: Các đặc lợi từ chính sách (thuế, trợ cấp, bảo hộ, quyền độc quyền v.v.), và sự ưu ái của các quan chức thực thi chính sách (các hợp đồng với nhà nước, sự bảo
kê v.v.).

Bấy lâu nay, ở Việt Nam tại các thị trường như chứng khoán, bất động sản, ngân hàng hay các ngành sản xuất tiêu dùng khác, dù không công khai nhưng vẫn đang tồn tại “cuộc đua ngầm” của các nhóm lợi ích. Làm “dâng” lên cái này, hạ xuống cái kia, nhiều khi chỉ một “thủ thuật” nhỏ, sẽ khiến hàng ngàn tỷ đồng đáng lẽ thuộc về người dân, về đất nước thì lại chui tọt vào túi tiền một số ông chủ.

Tại cuộc hội thảo về bất ổn kinh tế vĩ mô mới đây, TS Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, chỉ ra rằng: “Vì tư tưởng lợi ích nhóm, đã xuất hiện những đề nghị nới lỏng chính sách tiền tệ và rót vốn đầu tư công của một vài bộ ngành khi lạm phát còn cao”.

Lợi ích nhóm cần “dập” ngay từ trong trứng nước, làm được không? Theo ông, nếu quyết tâm vì lợi ích quốc gia và có bản lĩnh, chắc chắn những người làm chính sách sẽ làm được.

Theo Báo giấy