Ngày 16/3, một thanh niên da trắng 21 tuổi xả súng vào ba tiệm massage gần Atlanta (tiểu bang Georgia, Mỹ) khiến 8 người (trong đó có 6 phụ nữ châu Á) thiệt mạng. Mặc dù động cơ của vụ tấn công chưa được xác nhận, nhưng theo nhiều người, đây rõ ràng là tội ác xuất phát từ thù ghét.
Vụ xả súng vào các spa là một phần của vấn nạn bạo lực gia tăng mà những người AAPI (người Mỹ gốc châu Á – Thái Bình Dương) đang phải đối mặt trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Trước tình hình đó, mạng xã hội ở Mỹ thổi bùng “làn sóng” phản đối bạo lực leo thang đối với người gốc Á, đồng loạt sử dụng hashtag #StopAAPIHate (ngừng ghét người gốc châu Á – Thái Bình Dương) và #StopAsianHate (ngừng ghét người châu Á). Không chỉ cộng đồng mạng, các ngôi sao Hollywood như Lana Condor, Olivia Munn, Rihanna, Awkwafina, Jamie Chung… cũng tích cực hưởng ngưng phong trào bảo vệ người gốc Á.
Trên trang Twitter cá nhân, mỹ nhân gốc Cần Thơ Lana Condor kêu gọi: “Hãy thức tỉnh… Bạn bè và gia đình châu Á của chúng ta đang vô cùng sợ hãi, kinh hoàng, đau lòng và tức giận tột độ. Xin làm ơn sát cánh và ủng hộ chúng tôi. Người bạn châu Á đang cần các bạn, ngay cả khi họ không công khai nỗi đau trên mạng xã hội. Các bạn không biết những lời tử tế của các bạn có ý nghĩa như thế nào với tôi lúc này đâu. Tôi yêu các bạn rất nhiều”.
Olivia Munn
Một người đẹp gốc Việt khác là nữ diễn viên Olivia Munn viết trên Instagram: “Các cuộc tấn công phân biệt chủng tộc, bằng lời nói và thể chất, khiến cộng đồng của tôi sợ hãi bước ra ngoài. Những tội ác thù ghét này tăng vọt kể từ khi COVID-19 bùng phát và tiếp tục gia tăng ngay cả khi chúng tôi yêu cầu giúp đỡ, yêu cầu ngừng xúc phạm chúng tôi hay yêu cầu đưa tin nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông chính thống”.
Hồi tháng 2, Olivia Munn từng xuất hiện trên CNN kể về vụ một người đàn ông đã hành hung mẹ của bạn cô, người Trung Quốc, bên ngoài một tiệm bánh ở Queens, New York.
Trong khi đó, nam diễn viên gốc Hàn Daniel Dae Kim bày tỏ sự thất vọng sau khi cơ quan lập pháp không thông qua nghị quyết lên án bạo lực chống người châu Á. “Tôi rất khó chịu khi thấy rằng đối với một dự luật không đòi hỏi tiền bạc hay nguồn lực, chỉ đơn giản là lên án những hành vi thù hận đối với người gốc Á, lại có đến 164 thành viên Quốc hội bỏ phiếu chống lại. Hiện tại, tôi không ngây thơ đến mức nghĩ rằng sẽ thuyết phục được tất cả các bạn lên tiếng ủng hộ chúng tôi. Tôi đang nói cho những người vẫn còn ý thức nhân loại”, anh nói.
Nữ diễn viên gốc Hàn Jamie Chung phản ứng gay gắt trên Twitter: “Trái tim tôi dành cho các nạn nhân và gia đình của họ. Những vụ giết người và vô số hành động bạo lực, phá hủy các doanh nghiệp và chủ nghĩa khủng bố da trắng trong cộng đồng là nguyên nhân trực tiếp khiến các chính trị gia và các nhà lãnh đạo thổi bùng ngọn lửa của những luận điệu chống châu Á và sử dụng chúng ta như vật tế thần cho đại dịch toàn cầu. Trong lịch sử, những người nhập cư châu Á từng là vật tế thần cho những bất hạnh khác. Điều này phải kết thúc ngay bây giờ. Phương tiện truyền thông cần làm tốt hơn”.
Nữ ca sĩ Rihanna cũng gửi những dòng thương tiếc, đồng cảm dành cho cộng đồng người gốc Á trên mạng xã hội. “Những gì đã xảy ra ở Atlanta thật tàn bạo, bi thảm và chắc chắn không phải là một sự cố cá biệt dưới bất kỳ hình thức nào. Sự thù ghét nhắm vào người Mỹ gốc Á - Thái Bình Dương đang lan tràn và thật đáng kinh tởm! Tôi vô cùng đau lòng cho cộng đồng châu Á, trái tim của tôi hướng tới những người thân yêu và gia đình họ. Sự thù ghét phải cần phải dừng lại ngay lúc này”, cô kêu gọi.
Trên Instagram Story, Awkwafina – nữ diễn viên gốc Hoa từng làm nên lịch sử khi đoạt giải Quả cầu Vàng – nhắc nhở mọi người cần tưởng nhớ các nạn nhân, cũng như hướng đến gia đình của họ, thay vì tập chung sự chú ý vào kẻ phạm tội.
Trước khi vụ xả súng xảy ra, cô cho thấy, đã sớm ý thức được sự gia tăng của vấn nạn xã hội này thông qua chia sẻ: “Tôi rất đau buồn, bối rối và cảm thấy vỡ vụ bởi chuỗi các cuộc tấn công gần đây nhắm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á, nhất là người lớn tuổi trong cộng đồng chúng tôi. Vì vậy, trong năm Sửu, tôi sẽ quyên góp tiền cho một số tổ chức đã đấu tranh cho công bằng xã hội và chủng tộc”.