Doanh nghiệp bán lẻ đều bị "bóp" chiết khấu
Chiều 15/9, lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM đã họp với đại diện các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một đại diện các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết, một trong những vấn đề mà doanh nghiệp muốn kiến nghị với nhà chức trách là nên điều hành giá hợp lý hơn. Bởi hiện nay khi giá nhiên liệu biến động tăng/giảm, các doanh nghiệp bán lẻ đều bị "bóp" chiết khấu.
"Chiết khấu 0 đồng hoặc âm kéo dài dẫn tới tình trạng doanh nghiệp xăng dầu bên bờ vực phá sản" - đại diện doanh nghiệp này nói.
Đại diện một đại lý kinh doanh xăng dầu khác (xin giấu tên) cho rằng, nhà chức trách cần xem xét sao cho chiết khấu cố định của doanh nghiệp bán lẻ tối thiểu là 700 đồng/lít để đạt điểm hoà vốn và từ 1.000 đồng/lít để bù chi phí, trên 1.000 đồng/lít để có lợi nhuận.
"Một doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bán lẻ xăng dầu phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng để hoạt động, nghịch lý là tỷ suất lợi nhuận không bằng một quán tạp hoá, chưa kể rủi ro hỏa hoạn cao. Trong khi, trạm xăng dầu khu vực TP.HCM, dù ngoại thành hay nội thành, với diện tích 1.000m2 có thể cho thuê vài trăm triệu đến vài tỷ đồng mỗi tháng, chứ không cần kinh doanh xăng dầu như hiện tại để liên tục bị lỗ" - vị đại diện nói.
Tại cuộc họp, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cũng đề xuất loại bỏ hình thức thương nhân phân phối, vì đây là đơn vị trung gian đang làm giảm quyền lợi của cửa hàng bán lẻ.
Trước đó, thông tin với PV Tiền Phong, Giám đốc Sở Công Thương một số địa phương phía Nam cho hay, đang có hiện tượng nhiều chủ cây xăng tìm lý do để tạm đóng cửa, ngừng hoạt động. Đơn cử, Đồng Tháp có 9-10 cây xăng gửi thông báo xin nghỉ bán; Hậu Giang có 2 địa điểm; Vĩnh Long khoảng 10 địa điểm… Có cây xăng kéo dài thời gian nghỉ sửa chữa lên tới 2-3 tháng.
Ông Huỳnh Thanh Phong - Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang - cho biết, vào cuối tháng 8, Sở này đã có văn bản gửi thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; các thương nhân phân phối và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Theo cơ quan quản lý, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, bất kỳ ai kinh doanh xăng dầu đều phải chấp nhận rủi ro. Lúc lãi, lúc lỗ và các doanh nghiệp tự nguyện tham gia kinh doanh lĩnh vực có điều kiện này. Do đó, doanh nghiệp cần hiểu, chia sẻ để vượt qua khó khăn trước mắt.
Không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu
Chiều 15/9, Sở Công Thương TP Đà Nẵng có thông tin về tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn sau phản ánh một số cửa hàng hạn chế bán xăng A95.
Theo Sở Công Thương Đà Nẵng, trong ngày 14/9, có 2 cửa hàng xăng dầu không cung cấp đủ hàng, bán ra với số lượng hạn chế. Đó là cửa hàng xăng dầu Petrolimex tại số 87 Hồ Quý Ly (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) và cửa hàng xăng dầu Petrolimex tại 28 Trần Thánh Tông (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà).
Người dân đổ xăng tại một cửa hàng xăng dầu ở Đà Nẵng.
Sở Công Thương cho biết, do nhu cầu tiêu thụ tăng tại một số khu vực trên địa bàn TP đối với mặt hàng xăng RON95 - III nên xảy ra tình trạng một số cửa hàng trực thuộc Công ty Xăng dầu khu vực V không đáp ứng kịp mặt hàng trên do tàu nhập hàng có thể chậm theo kế hoạch của công ty.
Để đảm bảo việc dự trữ và cung ứng thường xuyên, một số cửa hàng gợi ý khách sử dụng xăng E5 RON92, hạn chế bán ra mặt hàng RON95-III đối với khách hàng mua với số lượng nhiều. Tuy nhiên, các mặt hàng khác như xăng sinh học E5 RON92, RON95-V vẫn đảm bảo cung cấp đủ, không hạn chế theo nhu cầu thị trường, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng đối với tất cả các mặt hàng của đơn vị.
"Hiện nay, kế hoạch tàu hàng vẫn đúng kế hoạch nên mặt hàng xăng RON95-III vẫn đảm bảo để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Việc nhân viên bán hàng cho rằng ngày 18/9 công ty mới nhập lại mặt hàng RON95-III là không chính xác" - Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết.
Ngoài ra, qua kiểm tra, Sở cũng cho biết, tại cửa hàng xăng dầu Hậu Trung Hiếu 2 (xã Hòa Châu, Hoà Vang, TP Đà Nẵng, thuộc Công ty TNHH MTV Hậu Trung Hiếu) trong ngày 14/9 có thời điểm công ty nhập hàng chậm khoảng 30 phút do xe hàng về chậm nên có phản ánh cửa hàng tạm ngưng bán hàng. Sau thời gian nhập hàng, công ty cung cấp đầy đủ cho khách hàng, không có hiện tượng đóng cửa, đầu cơ, găm hàng.
Cũng trong chiều 15/9, Sở Công Thương Đà Nẵng tiếp tục đi thực tế các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn để kiểm tra, nhắc nhở các doanh nghiệp cung ứng xăng dầu thực hiện tốt các quy định về kinh doanh xăng dầu, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu để cung cấp cho hệ thống cửa hàng bán lẻ.