Loạn chó thả rông, không rọ mõm

TP - Tại TPHCM tình trạng các giống chó cỏ, chó cảnh được người dân thả rông vẫn diễn ra ở nhiều nơi.
Chó nuôi thả rông ở TPHCM bị lực lượng chức năng bắt giữ

Dọc hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thuộc quận 1, quận 3, quận Bình Thạnh, nhiều gia đình nuôi chó vô tư thả chó ra khu vực mảng xanh bên bờ kênh cho chó đi vệ sinh. “Sáng nào tôi cũng chạy thể dục dọc bờ kênh nhưng cũng không được thoải mái vì quá nhiều chất thải của chó. Nhiều người cho chó ra đây vệ sinh nhưng cũng không có rọ mõm hay dây xích gì cả”, ông Lê Văn Hùng (63 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) nói.

Nhiều khu dân cư khác ở TPHCM cũng có tình trạng người dân nuôi chó thả rông, cho chó phóng uế nơi công cộng. Vào tháng 3/2020, tại phường 3, quận Bình Thạnh, TPHCM đã xảy ra một vụ chó nuôi cắn hai người đi đường bị thương. Chủ của con chó này bị lập biên bản vi phạm hành chính và phải bồi thường cho hai nạn nhân.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM cho biết, trước đây TPHCM có đội săn bắt chó thả rông của Trạm Phòng chống dịch và kiểm dịch động vật (hiện đổi tên thành Phòng Chăn nuôi và dịch tễ) thuộc Chi cục. Đội này có trách nhiệm săn bắt chó thả rông, không rọ mõm trên địa bàn thành phố. Sau này, việc tiếp nhận thông tin và ra quyết định xử phạt được chuyển giao về địa phương, tổ săn bắt chó thả rông cũng được giải tán. Hiện nay, việc quản lý chó nuôi do các địa phương thực hiện.

Các quận huyện cũng đã thành lập lực lượng bắt chó thả rông trực thuộc đội quản lý Trật tự đô thị, được tập huấn kỹ thuật bắt chó. Tuy nhiên, việc săn bắt chó thả rông cũng gặp không ít khó khăn về nhân lực, phải đầu tư chuồng trại để nuôi nhốt, chi phí tiêu hủy nếu chủ chó không đến giải quyết, đóng phạt…

Bà Triệu Thị Bích Huyền, Phó Chủ tịch UBND phường 11, quận Bình Thạnh cho biết, việc xử lý chó nuôi thả rông, không rọ mõm vẫn được địa phương thực hiện suốt thời gian qua. Khi người dân phát hiện chó thả rông, phóng uế nơi công cộng thì chụp hình gửi về UBND phường, lực lượng chức năng của phường sẽ đến xử lý.

“Nếu trường hợp có chó lớn, chó hung dữ thả rông, phường sẽ báo lên quận để đội săn bắt chó của quận xuống xử lý”- bà Huyền nói. Tuy nhiên, theo bà Huyền, ở TPHCM nói chung và phường 11 nói riêng, các loài chó được người dân nuôi làm thú cưng đa số là chó giống nhỏ, hầu như không thấy các loài chó to, hung dữ được thả rông ngoài đường.

Luật đã có

Theo luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn luật sư TPHCM), hiện nay pháp luật Việt Nam quy định khá chi tiết về việc nuôi chó; vệ sinh, phòng dại và chế tài xử phạt đối với việc thả rông chó ở nơi công cộng: Nuôi chó phải đăng ký với UBND xã, phường; xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh.

Ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị khi đưa chó ra ngoài, phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm và có người dắt. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung theo Nghị định 04/2020: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc phòng bệnh bằng vắc xin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật.

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.0000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; b) Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện cách ly, chăm sóc, chữa bệnh cho động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, trừ trường hợp cấm chữa bệnh hoặc phải giết mổ, tiêu hủy bắt buộc.

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện việc giám sát dịch bệnh động vật tại cơ sở theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y; b) Không theo dõi, ghi chép quá trình phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật”.

Về trách nhiệm dân sự, Điều 603 (khoản 1) Bộ Luật dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra. Theo đó, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Về trách nhiệm hình sự, có thể bị xem xét, xử lý theo một trong các tội sau: “Tội vô ý làm chết người” theo khoản 1, điều 128 Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm tù đối với hành vi vô ý vì cẩu thả hoặc vô ý vì quá tự tin khi dẫn chó đến nơi công cộng nhưng không có bất cứ biện pháp phòng bị nào để xảy ra việc chó cắn chết người. Hoặc tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người (khoản 1, điều 295 Bộ luật Hình sự 2015) với mức phạt tù đến 5 năm.

Một cựu thẩm phán TAND TPHCM nhận định, các quy định và chế tài xử phạt vi phạm hành chính; trách nhiệm dân sự về bồi thường thiệt hại do súc vật cắn gây ra và trách nhiệm hình sự do súc vật cắn chết người hoặc gây tổn hại sức khoẻ nghiêm trọng từ 61% trở lên đã chi tiết, rõ ràng và đủ sức răn đe. Tuy nhiên, sau sự việc 2 con chó pitbull tấn công người ở Long An, cần tăng cường tuyên truyền pháp luật đến người dân để hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại xảy ra do hành vi không bảo đảm an toàn vật nuôi của các chủ chó gây ra.