Lo thu phí ô tô vào trung tâm làm 'bùng nổ' xe máy ở Sài Gòn

TPO - Chuyên gia lo ngại khi thu phí ô tô vào trung tâm, người dân sẽ chuyển sang dùng xe máy, làm “bùng nổ” loại phương tiện này ở Sài Gòn.

Sáng 12/12, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo đề án “Thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm” để hạn chế ùn tắc giao thông. Tại hội nghị, đại diện công ty tư vấn đề xuất một số phương án và cho biết theo dự kiến, nếu được chấp thuận, hệ thống thu phí tự động sẽ được lắp đặt và đưa vào sử dụng năm 2020. Tổng kinh phí thực hiện đề án là 1.500 tỷ đồng được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với thời gian hợp đồng 15 năm. Dự kiến, ngân sách TPHCM sẽ thu được khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.

Luật sư Trương Thị Hoà lo ngại thu phí ô tô vào trung tâm sẽ dẫn tới tình trạng phí chồng phí, trong khi người dân TPHCM đã chịu nhiều loại phí khác. Bà Hoà cũng chỉ ra phương án đề xuất (phương án 1) phạm vi thu phí giới hạn phần lớn diện tích quận 1 và quận 3 là không đạt hiệu quả kinh tế và giảm ùn tắc. “Cải thiện chất lượng dịch vụ củ axe buýt, tăng mức xử phạt … thì mới khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng. Đề án chưa đưa ra được giải pháp đồng bộ. Nhiều nơi ùn tắc giao thông chứ không riêng khu vực trung tâm. TPHCM cần có biện pháp toàn diện hơn”, bà Trương Thị Hoà nói

Theo ông Đồng Văn Khiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn - Phản biện Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, ùn tắc giao thông bởi nhiều nguyên nhân như ý thức của người tham gia giao thông chưa cao; phương tiện giao thông quá nhiều… “Đề án phải điều tra, khảo sát kỹ, như lượng ô tô vào trung tâm bình quân mỗi ngày bao nhiêu, cao điểm bao nhiêu; thấp điểm bao nhiêu; mỗi ngày có bao nhiêu xe tải, xe con, … thì mới đánh giá được sự cần thiết của đề án. Khảo sát mà cứ nói chung chung. Đã từng có những đề án nói chung chung như vậy đã áp dụng không thành công và người ta đè nhau ra …kiểm điểm”, ông Khiêm nói.

Chuyên gia này cho rằng đến 2020, TPHCM mới chỉ có tuyến metro số 1. Giao thông công cộng chủ yếu dựa vào mạng lưới xe buýt trong điều kiện chưa thể bố trí làn đường riêng, chạy không đúng giờ. Vì vậy, việc thu phí ô tô trong điều kiện chất lượng xe buýt chưa đáp ứng yêu cầu sẽ khiến người dân sẽ chuyển sang dùng xe máy, làm “bùng nổ” loại phương tiện này.

Ông Lâm Thiếu Quân, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD) cho biết đi ô tô hiện nay trong trung tâm TPHCM chậm hơn xe máy. Trong quá trình triển khai đề án, ITD mời tư vấn nước ngoài từng tham gia xây dựng hệ thống thu phí tại thành phố Stockholm (Thuỵ Điển). Đơn vị tư vấn đã khảo sát, đếm xe và chạy trên mô hình để đưa ra những dự báo cần thiết.

Đề án thu phí thực hiện từ năm 2009, dự kiến trình 2010 nhưng thời điểm đó cơ sở pháp lý chưa đủ nên bị gác lại. Đề án thu phí nằm trong đề tài nghiên cứu phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân của Viện Nghiên cứu phát triển. Ông Quân nói ITD chỉ là nhà cung cấp giải pháp. Để đảm bảo dự án khả thi, ITD sẳn sàng nhận lãnh trách nhiệm đầu tư để tránh tình trạng nói nhưng không làm.

Thu phí không dừng sẽ không có chuyện xây lô cốt, trạm thu phí trên vành đai và tại các cổng thu phí nên các phương tiện vẫn lưu thông bình thường. Việc thu phí chỉ thực hiện trong các khung giờ cao điểm. Trong giờ cao điểm hiện nay, TPHCM cũng cấm xe tải lưu thông vào trung tâm nên việc thu phí không làm tăng giá hàng hoá, dịch vụ”, ông Quân cho biết thêm.