Lo hụt thu vì giá dầu giảm: Yêu cầu tăng thu nội địa

TP - Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành tài chính chiều 30/12, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, cần phân tích, đánh giá lại công tác quản lý ngân sách nhà nước (NSNN) do chi thường xuyên tăng quá nhanh cũng như tác động thu do giá dầu thô giảm.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, thu NSNN năm nào cũng vượt kế hoạch, năm sau cao hơn năm trước, nhưng cân đối NSNN luôn gặp khó khăn, căng thẳng và bội chi vẫn còn cao.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu ngành tài chính xem cơ cấu chi ngân sách đã hợp lý hay chưa khi chi thường xuyên tăng cao hơn thu, nên NSNN khó khăn là điều tất yếu. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục đưa ra những dự báo, đánh giá tình hình kịp thời hơn, sát thực hơn. “Dầu thô chưa biết phục hồi ra sao, nhưng hiện đã thấy giảm. Kế hoạch vừa đưa ra 60 USD/thùng, ngay lập tức hôm sau giá đã giảm và giờ đã giảm sâu”, Phó Thủ tướng băn khoăn.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, để bù hụt thu do giá dầu thô giảm, Bộ Tài chính cần tăng thu nội địa khoảng 7-8%. “Theo dự toán 2016, ngành tài chính phải thu nội địa gần 800.000 tỷ đồng, nếu tăng thu 7% sẽ có khoảng 56.000 tỷ đồng. Nếu giá dầu rớt 40 USD/thùng vẫn đủ”.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, cơ cấu thu đã có chuyển biến tích cực, thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu NSNN (giai đoạn 2011-2015 khoảng 68%, trong đó năm 2015 khoảng 74%, cao hơn mục tiêu đề ra là 70%).

Tăng cường thu nợ thuế là một giải pháp mà ngành tài chính thực hiện rốt ráo trong những tháng gần đây. Hồi tháng 9, để bù hụt thu ngân sách trung ương khoảng 31,3 nghìn tỷ đồng, Chính phủ từng xin Quốc hội cho sử dụng tối đa khoảng 10 nghìn tỷ đồng tiền bán cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp; số còn lại sẽ phấn đấu tăng thu thêm trong điều hành.

Bộ Tài chính cho biết, nhằm ứng phó với việc giảm thu ngân sách do giá dầu giảm, Bộ Tài chính đã trình và được Thủ tướng chấp thuận cho phép cắt giảm 4.143 tỷ đồng kinh phí tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm của các bộ, cơ quan Trung ương và dự phòng ngân sách trung ương để bù đắp hụt thu ngân sách trung ương”.