Sung sướng sau chuỗi ngày chờ đợi
Sáng sớm, chúng tôi quay tại điểm chăn ong của anh Nguyễn Văn Cường ở xã Hồng Giang. Hôm nay, anh Cường cùng với tốp thợ ong anh thuê tại địa phương tiến hành thu mẻ mật thứ 2 kể từ ngày ra tới Lục Ngạn.
Đúng lịch hẹn, từ sáng sớm, tốp thợ 7 người đã có mặt đầy đủ tại trại ong. Uống xong chén nước chè, anh Cường cùng anh em thợ bắt tay ngay vào công việc. Đội thợ đã có thâm niên 8 năm làm việc cùng nhau nên tâm thế họ bắt tay vào cái việc “chọc tổ ong” xem ra chẳng có gì khiến họ lo lắng.
Sau khi mặc xong quần áo bảo hộ, đi ủng và đội mũ chuyên dụng, không cần họp phân công, họ tự biết ai vào việc nấy. Giữa hàng triệu con ong bay đi, lượn lại, sẵn sàng lao vào tấn công, họ vẫn thoăn thoắt làm việc. Người mở thùng ong, rút ra những phên có tổ ong vàng óng, ứa mật, bám dày đặc ong thợ.
Động tác này gọi là rút cầu ong. Sau khi rút cầu ong, thợ phải nhanh tay quét cho ong rời khởi cầu để gọn một chỗ. Lúc này, ong bị động, bay dày đặc xung quanh, tưởng chừng như có thể lấy tay gạt đi được. Để tản bớt ong, tránh bị ong đốt, tốp thợ phải luôn đặt ống khói bên cạnh người hoặc cầm theo tay khi di chuyển.
Tiếp đó, một người khác dùng hai cái móc gắn hai đầu đòn gánh, móc các cầu ong đi đến một thùng tôn to đặt cách đó một quãng. Thùng tôn này được gọi là thùng quay li tâm. Các cầu ong được xếp vào các khe của thùng tôn rồi một người cầm cái cần quay tay bắt đầu quay. Cùng với đà quay ly tâm, mật ong trong các tổ ong sẽ được tách ra, chảy xuống dưới đáy thùng tôn.
Và lúc này, không ai khác, anh Cường - ông chủ trại ong sẽ vặn van để xả mật ong cho chảy vào những chiếc can loại 30 lít đã được chuẩn bị sẵn.Vừa rót mật vào can, anh Cường mừng ra mặt. Anh phân tích, trước khi định ngày thu mật phải liên tục kiểm tra đàn ong, kiểm tra các cầu ong xem có đảm bảo lượng mật không mới định ngày thu mật. Thông thường, khi sáp phủ kín khoảng 2/3 cầu thì sẽ lấy được mật. Thời điểm này mật vừa độ chín, tươi ngon, sánh mịn. Quay sớm quá mật loãng, không cho năng suất. Quay muộn thì ảnh hưởng năng suất làm việc của ong vì khi thấy tổ nhiều mật, ong sẽ lười đi làm. Tùy vào từng mùa hoa, loài hoa mà thời gian thu mật cũng khác nhau. Như hoa vải nhiều mật, thời tiết thuận lợi thì 3 - 4 ngày quay mật 1 lần. Mật keo, mật cao su thì phải một tuần, có khi 10 ngày mới được mật.
Sau hơn hai tiếng làm việc tất bật như đánh trận với bầy ong, đúng 10 giờ, công việc thu mật hoàn thành. Với 300 thùng ong, mẻ quay mật này anh Cường thu về hơn một tấn mật. Nhìn những can mật được xếp gọn gàng chờ khách lấy đi, anh Cường nhẩm tính: Với giá bán trung bình từ45.000 - 50.000 đồng/kg mật, trừ tiền thuê công nhân, anh bỏ túi hơn 50 triệu đồng.
Giọt tinh túy của đất trời
Như lịch hẹn trước, chúng tôi ghé thăm điểm chăn ong của anh Nguyễn Văn Hà. 500 thùng ong của anh từ Đắk Lắk ra Lục Ngạn đã được gần 10 ngày xếp ngay ngắn, gọn gàng xung quanh những gốc vải. Năm nay, thời tiết thuận lợi, ít mưa nhiều nắng, hoa vải nhiều mật, trung bình cứ 3 - 4 ngày, ong cho lấy mật 1 lần. Đến nay, anh đã thu 2 mẻ mật, chuẩn bị thu mẻ thứ 3. Với gần 500 thùng ong, mỗi lần quay mật, anh thu khoảng 2 tấn mật. Khác với mật keo, mật cao su,anh phải bán cho các công ty với giá từ 15 - 17 nghìn đồng/kg, toàn bộ số mật vải của anh thu được tại Lục Ngạn được anh bán tại chỗ cho người dân địa phương với giá bán dao động từ 45 nghìn -50 nghìn đồng/kg.
Theo anh Hà, trong các loại mật, mật vải là ngon nhất và rất được người dân ưa chuộng. Mật keo màu đen, hơi đắng, còn mật vải vàng ươm, sánh mịn, thơm và ngọt sắc. Hai lần quay mật vừa qua, trừ tiền nhân công, tiền xe vận chuyển lượt ra, lượt về, anh đã bỏ túi gần 100 triệu đồng. “Nếu thời tiết thuận lợi, tôi sẽ thu thêm 3 lần mật nữa. Ra Bắc lần này anh em thắng lớn, riêng tôi nhẩm tính cũng lời khoảng 300 triệu đồng”, anh nói.
Nói về thị trường mật ong, anh Hà cho rằng rất thuận lợi. Mật keo, mật cao su, cánh thợ nuôi ong như anh chủ yếu bán cho các công ty để họ tiêu thụ sang các nước châu Âu. Mật vải, nhãn, cà phê chủ yếu bán lẻ giá cao cho dân, tiêu thụ trong nước, có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. “Cứ nuôi ong tốt là có mật, có mật là có tiền. Khí hậu nước ta nhiệt đới, hoa trái quanh năm, mật ong rất nhiều, rẻ nên khi bán ra các nước họ cứ nghĩ mình bán phá giá. Nghe đâu cũng có nước áp thuế bán phá giá với mật ong nước mình. Mà năm nay cũng chẳng phải lo, dịch COVID, nhà nào cũng mua vài lít về dùng nhằm tăng cường sức đề kháng, buổi sáng quay mật, buổi chiều bán hết veo”, anh Hà cười nói.
Nói rồi anh Hà chìa điện thoại khoe với chúng tôi các nhóm hội như Hội Nuôi ong mật miền Nam, Hội Nuôi ong miền Bắc mà anh là thành viên tích cực. Các chủ ong trong đó hỗ trợ nhau làm ăn, chỉ ở đâu sắp có nguồn mật, mật ở đâu tốt…Các hội nhóm này còn hỗ trợ khách hàng giải đáp các thông tin liên quan đến mật ong như, màu sắc, mùi vị, giá cả của từng loại mật ong. Cách phân biệt mật giả, mật thật.
“Nhiều người cứ phao tin chúng tôi lấy đường nuôi ong để bán. Họ nói như thế là không hiểu gì về nghề ong. Mật ở hoa có khắp nơi, miễn phí, vì sao phải lấy đường nuôi ong? Cũng có lúc, chúng tôi phải cho ong ăn mật, ăn đường, ăn phấn hoa, bột đậu xanh nhưng chỉ dễ “dưỡng” ong khi nhỡ mùa hoa hoặc hoa quá thiếu mật mà thôi. Nếu chăn ong bằng đường để lấy mật thì người nuôi chỉ có lỗ vốn. Nếu nói “mật ong đường” chỉ có người làm mà thôi, họ lấy đường đun lên, đổ thêm ít mật thật lên trên đánh lừa người mua” - anh Hà nói.
Theo cổng thông tin “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của Bắc Giang, sản phẩm Mật ong Lục Ngạn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Nhãn hiệu để phân biệt với các sản phẩm khác cùng loại là lôgô có hình con ong mật kèm theo tên mật ong Lục Ngạn. Tháng 8/2012, mật ong Lục Ngạn đã được UBND tỉnh Bắc Giang cấp chứng nhận là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2012”. Mật ong Lục Ngạn được giới thiệu chứa 9 loại vitamin và 72 đơn chất khác nhau (canxi, natri, clo, iot, lưu huỳnh…) hỗ trợ hoạt động cho hệ thần kinh, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, không gây béo phì…