Liên kết để cùng phát triển

TP - “Trong tình hình hiện nay, có những vấn đề đặt ra trong phạm vi một địa phương, một vùng không thể giải quyết được”- Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ khẳng định tại hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ tổ chức tại TPHCM ngày 14/9.

Theo Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, cả ba vùng đều có những lợi thế riêng, có nhiều sản phẩm nông sản đứng đầu cả nước như lúa gạo, cà phê,... Tuy nhiên, do thiếu liên kết, việc cạnh tranh cục bộ đã làm giảm khả năng cạnh tranh của các sản phẩm.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc đồng tình: Vừa qua, sự cạnh tranh từng địa phương nổi lên còn liên kết vùng bị hạn chế. Để khắc phục vấn đề này phải đặt ra điều kiện liên kết trong chuỗi giá trị để mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân, doanh nghiệp, địa phương, vùng và quốc gia, thay vì làm riêng rẽ từng địa phương như hiện nay.

Theo Trưởng Ban kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ, phát triển vùng cần sự hỗ trợ từ Chính phủ. Hiện nay, nhà nước chưa có thể chế đặc biệt cho vấn đề liên kết vùng. Hạ tầng kỹ thuật vừa thiếu, vừa yếu, đặc biệt là giao thông. Trong khi đó, liên kết vùng đòi hỏi sự đồng bộ rất cao. “Tỉnh này làm cầu, tỉnh kia không làm đường thì sẽ không phát huy được hiệu quả đầu tư” – ông Huệ nói.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận định: Liên kết vùng và các địa phương là rất khó nhưng cần phải làm ngay. Đảng, nhà nước rất quan tâm đến liên kết trong sản xuất kinh doanh, quốc phòng – an ninh và đã ban hành nhiều chính sách, các bộ ngành triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả bước đầu. Tuy nhiên, việc liên kết còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trong bối cảnh hiện nay, đặt ra vấn đề liên kết vùng vừa là đòi hỏi khách quan vừa rất cần thiết, nhất là VN đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới. Có những vấn đề mà trong phạm vi địa phương, vùng không giải quyết được.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, cần đẩy mạnh liên kết trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ, giữa doanh nghiệp, nông dân, các vùng với nhau trong phạm vi cả nước để phát huy lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, từng vùng trong quá trình phát triển, hội nhập kinh tế.

Đối với cấp quốc gia, Nhà nước cần có chính sách cụ thể cho từng vùng, từng địa phương, từng lĩnh vực, sản phẩm, phù hợp với lợi thế. Ngoài ra, Chính phủ cần có quy hoạch phát triển vùng, quản lý quy hoạch, phân cấp hợp lý, phát triển hài hòa giữa các vùng, các địa phương.

“Các địa phương thỏa thuận và thực hiện liên kết bắt buộc, tránh tình trạng cạnh tranh cục bộ, làm suy giảm nguồn lực của nhau. Đầu tư cần tập trung, không được dàn trải nguồn lực” – Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, quy chế liên kết sắp tới sẽ được xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể của từng bộ ngành trung ương, địa phương.

“Trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương sẽ được phân công một cách cụ thể trong quá trình liên kết để mô hình này đi vào cuộc sống, phát huy tốt nhất trong thời gian tới” – Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Theo Báo giấy