Liên kết đào tạo lừa học sinh

TP - Dù chưa có chỉ tiêu liên kết nhưng một trường trung cấp tại Hà Nội vẫn lừa hơn 100 học sinh theo học để thu tiền học phí, tự tổ chức giảng dạy, thi cử rồi đánh trượt học sinh để thu tiền trong suốt một năm trời.
Học sinh lớp N16 đối chất với cán bộ trường yêu cầu bồi thường chi phí một năm học chui

> Phá ổ sản xuất bằng đại học, thạc sỹ giả

Học sinh lớp N16 đối chất với cán bộ trường yêu cầu bồi thường chi phí một năm học chui.
 

Giữ chân học sinh, đánh trượt thu tiền

Năm 2010, qua thông tin tuyển sinh, em Nguyễn Thị Dung, quê huyện Bù Đăng (Bình Phước) được biết Trường trung cấp công nghệ và nghiệp vụ tổng hợp Hà Nội (gọi tắt là Trường Công nghệ) có chỉ tiêu liên kết với Trường trung cấp Sư phạm và Mẫu giáo nhà trẻ Hà Nội (Trường Mẫu giáo) tuyển sinh hệ trung cấp chính quy, ngành sư phạm mầm non. Dung gửi hồ sơ, nộp tiền và ngay lập tức được nhà trường nhận vào học.

Ngày 20-9-2010, lớp bắt đầu học, nhà trường yêu cầu tất cả học sinh đóng học phí một học kỳ 1.670.000 đồng/học sinh. Ban đầu, lớp của Dung có vài chục học sinh, nhưng trường thường xuyên bổ sung thêm học sinh, nay đã hơn 100 người. Những học sinh vào sau vừa phải đóng số tiền giống như học sinh vào trước vừa phải đóng thêm 300.000 đồng/môn.

Lớp học do trường thuê địa điểm tại trường ĐH Sân khấu Điện ảnh (Từ Liêm-Hà Nội). Tuy học nghiệp vụ mẫu giáo, thời gian chỉ từ 20-22 tháng (2 năm), nhưng học kỳ 1, lớp chỉ được học các môn Chính trị, Nhạc, Tin học, Quân sự, Tiếng Anh, Quản lý nhà nước, Pháp luật, Lý luận dạy học, Công tác thiết bị trường học, Nghiệp vụ sư phạm... Tuy nhiên, lịch học rất thất thường, lúc có lúc không, có ngày học sinh đến không có giáo viên dạy.

Cho đến gần đây, cả lớp mới té ngửa, khi nhà trường thông báo, từ năm học này mới chính thức học nghiệp vụ. Cả lớp phải học lại từ đầu. Vì tới năm học này, Trường Công nghệ mới xin được chỉ tiêu liên kết. Như vậy, khóa của Dung, nếu theo học phải kéo dài thêm một năm, từ 2 năm thành 3 năm.

Em Nguyễn Thị Hồng - lớp trưởng, cho biết: “Hơn 100 bạn trong lớp ai cũng lo lắng vì đều là con nhà nghèo, đã tốn kém theo học suốt cả một năm trời, tốn bao công sức, tiền của. Họ đã cố tình tổ chức dạy những môn linh tinh để thu tiền, giữ chân chúng em”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong năm học vừa qua, khi học 11 môn, hầu như môn nào cũng có khá nhiều học sinh trượt. Thậm chí, có học sinh trượt nhiều môn liền. Điển hình như em Doãn Thu Thảo (Bắc Giang), dù được các bạn trong lớp nhận xét là chăm chỉ, ngoan ngoãn vẫn bị trượt 6 môn.

Theo lớp trưởng Nguyễn Thị Hồng, khi giáo viên đưa danh sách đến trung tâm, họ muốn ai trượt thì người đó trượt mà không theo một nguyên tắc nào cả. “Học sinh bị đánh trượt phải nộp 50.000 đồng/môn. Số tiền này, nhà trường dùng vào việc bồi dưỡng cho giáo viên” - Hồng nói.

Ai chịu trách nhiệm?

Làm việc với PV Tiền Phong, bà Phạm Phương Lan - Trưởng phòng Đào tạo - Trường Mẫu giáo cho biết, trong năm 2010, có liên kết đào tạo với Trường Công nghệ nhưng chỉ tiêu Sở GD&ĐT Hà Nội giao cho chỉ có một lớp là N - 15 với 67 học sinh. Nhưng trường này đã mở thêm lớp N16 với 137 học sinh, để thu tiền là sai. Trong năm 2011, Sở GD&ĐT Hà Nội giao cho 1.100 chỉ tiêu liên kết đào tạo.

“Lỗi lớn nhất của Trường Công nghệ là đã tự ý giữ học sinh trong suốt cả năm trời mà không hề có thông báo rõ ràng cho học sinh và phụ huynh được biết. Ngoài ra, trường này còn tự ý thu tiền của học sinh, tự tổ chức học và thi rồi đánh trượt học sinh để thu tiền, không thể chấp nhận được”. - Bà Phạm Phương Lan, Trưởng phòng Đào tạo, Trường trung cấp Sư phạm và Mẫu giáo nhà trẻ Hà Nội

Trường Công nghệ là một trong 12 đơn vị được nhà trường liên kết. Tuy nhiên, chỉ tiêu dành riêng cho trường này trong năm 2011 chỉ được 105 học sinh.

Theo dự kiến, 105 em này sẽ được tập trung vào học giữa tháng 8-2011. Sau khi các em tham gia học đủ từ 20 đến 22 tháng, đến đầu năm 2013, các em mới tốt nghiệp ra trường.

Cũng theo bà Lan, dù liên kết nhưng công tác giảng dạy hay chủ nhiệm đều do các thầy cô Trường Mẫu giáo đảm nhiệm 100%; còn Trường Công nghệ chịu trách nhiệm quản lý giờ giấc, tính chuyên cần của học sinh, thu học phí và chỉ tham gia công tác chủ nhiệm 60 tiết. Nếu 137 em đã học được một năm tại Trường Công nghệ, nay nếu tham gia chỉ tiêu 2011 thì cũng chỉ được 105 em, số còn lại phải về quê và các em phải bắt đầu học lại từ đầu.

Như vậy, kể cả được chọn vào học tiếp, những học sinh này phải học tới 3 năm. Vậy quyền lợi của các em sẽ giải quyết thế nào? Bà Lan cho biết, việc giải quyết quyền lợi cho học sinh, Trường Công nghệ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Phóng viên Tiền Phong đã liên lạc với ông Nguyễn Văn Long - Hiệu trưởng nhà trường nhiều lần nhưng lần nào tới trường cũng không gặp được ông Long. Tiền Phong sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Theo Báo giấy