Hôm 5/8, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhất trí thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên (do Mỹ đề xuất) nhằm cấm nước này xuất khẩu than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì và hải sản...
Dự kiến, biện pháp trừng phạt mới có thể khiến doanh thu xuất khẩu hàng năm của Triều Tiên giảm 1/3, tương đương 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo AP, việc khiến cho Triều Tiên gặp khó khăn về tài chính không phải là mục tiêu cuối cùng của Mỹ. Điều mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump mong muốn lúc này là Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân.
Dù vậy, có rất ít bằng chứng cho thấy áp lực kinh tế mới nhất nhằm vào Bình Nhưỡng có thể giúp Mỹ đạt được “thành tựu” lớn hơn so với các lệnh trừng phạt trước đây.
Theo AP, bất chấp những đòn trừng phạt nặng nề về kinh tế, chính quyền Chủ tịch Kim Jong-un dường như không mảy may quan tâm đến việc đàm phán về kho vũ khí hạt nhân đang ngày càng gia tăng của mình, với con số có thể lên đến khoảng 20 quả bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo. “Đối với Kim Jong-un, vũ khí là nền tảng cho sự tồn tại của Bình Nhưỡng”, AP nhận định.
Ngoài ra, trong suốt nhiều thập kỷ, Triều Tiên đã quen và học được cách thích nghi với việc phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt nặng nề về nhiều mặt. Do đó, việc phải hứng chịu thêm một biện pháp trừng phạt mới có lẽ sẽ... không “xi nhê” gì, kể cả khi đây là “gói trừng phạt kinh tế lớn nhất và Triều Tiên phải hứng chịu”, theo cách gọi Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley.
Việc Mỹ có đạt được mục tiêu thông qua lệnh trừng phạt lần này hay không, theo AP, phụ thuộc rất nhiều vào sự sẵn sàng của Trung Quốc – đồng minh thân cận của Triều Tiên.
Trung Quốc, dù tuyên bố phản đối vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, nhưng vẫn rất thận trọng trong vấn đề này vì lo ngại sự bất ổn sẽ xảy ra dọc biên giới nước này với Triều Tiên.
Anthony Ruggiero – cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ và chuyên gia nghiên cứu về các biện pháp trừng phạt cho biết Trung Quốc và Nga đã không tuân thủ rất nhiều nghị quyết trước đây của Liên Hợp Quốc về Triều Tiên từ năm 2006, khi Triều Tiên trở thành quốc gia đầu tiên và duy nhất trong thế kỷ 21 tiến hành thử hạt nhân.
Trong lúc tình hình đang căng thẳng, chính quyền Tổng thống Trump vẫn để ngỏ khả năng đàm phán trở lại với Bình Nhưỡng.
Tại Manila (Philippines), Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói rằng ông hy vọng Triều Tiên sẽ “chọn một con đường khác, và vào thời điểm phù hợp, chúng ta có thể ngồi vào bàn đối thoại”. Ông Tillerson kêu gọi Triều Tiên ngừng các cuộc thử nghiệm trong một thời gian dài. Tuy nhiên, những lời kêu gọi dựa trên lòng tin như thế này dường như đều không có tác dụng.
Ngược lại, Triều Tiên dường như không muốn hành động dựa theo các quy tắc của Mỹ. Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho đã phát biểu trước các Ngoại trưởng của các nước châu Á và ông Rex Tillerson rằng “trong bất cứ trường hợp nào, Triều Tiên cũng đều không sẽ đặt vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo lên bàn đàm phán.” Do đó, các cuộc đàm phán có vẻ không khả thi.
Ngoài ra, Washington cũng đã bác bỏ đề xuất của Bắc Kinh rằng Mỹ - Hàn nên đình chỉ các cuộc tập trận để đổi lại việc Triều Tiên sẽ “đóng băng” việc phát triển vũ khí.
Lập trường của các nước liên quan cho thấy sự bế tắc trong vấn đề Triều Tiên mà không biện pháp trừng phạt nào có thể giải quyết được.
Richard Nephew, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama từng viết trên trang web 38 North rằng: các bên liên quan cần kết hợp các lệnh trừng phạt với "nỗ lực đàm phán đáng tin cậy” để “giảm bớt mối đe dọa hiện tại của Triều Tiên và để ổn định bán đảo trước khi tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát”.