Lèo tèo, đơn điệu sách cho thiếu nhi

TP - Đã bước vào giữa hè và dù Đường sách TPHCM đã mở “Hội sách dành cho thiếu nhi” nhưng quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vài, ba tác giả quen thuộc cùng những cuốn sách cũ. Sự thiếu vắng về sách thiếu nhi một lần nữa được các nhà văn, nhà sản xuất sách báo động. 
Các em thiếu nhi tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (TPHCM)

Tính trên đầu ngón tay 

 TS Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc NXB Trẻ cho biết, hiện các đầu sách dành cho thiếu nhi được xuất bản hàng năm chỉ chiếm khoảng 15% so với  tổng số sách xuất bản trong khi thiếu nhi chiếm tới 25% dân số. Đây là con số khá thấp nếu so với thị trường sách thế giới. Cũng theo số liệu của TS Quánh Thu Nguyệt, tại những hội chợ sách lớn trên thế giới, lượng sách xuất bản dành cho thiếu nhi luôn đạt trên 30%.

Ngoài ra hiện nay những cuốn sách dành cho học sinh cấp 1, cấp 2 gần như vắng bóng trên thị trường, trong khi đây là lứa tuổi đang hình thành nhân cách, kỹ năng sống. “Nhu cầu sách thiếu nhi vô cùng lớn, đây là mảnh đất rộng cho các đơn vị làm sách nhưng hiện nay chưa có đơn vị nào tập trung khai thác. Có nhiều cuộc thi, hoạt động về sách dành cho thiếu nhi nhưng chưa có hiệu quả cao”, TS Quách Thu Nguyệt chia sẻ.

Thiếu sách dành cho lứa tuổi thiếu nhi


Nhà văn Phong Việt, người có nhiều tác phẩm văn học cho thiếu nhi, cho rằng ở Việt Nam hiện có ít nhà văn lựa chọn viết sách cho thiếu nhi vì các nhà xuất bản ít quan tâm. Bên cạnh đó việc đầu tư xuất bản sách cho thiếu nhi vẫn theo lối mòn cũ. Theo nhà văn Phong Việt, những cuốn sách thiếu nhi trên thế giới hiện nay đã được xuất bản theo lối mới, đa dạng về màu sắc, mang cả tính tương tác, chủ động kết nối bạn đọc ngay trong từng trang. “Một cuốn sách cho thiếu nhi được đánh giá hay không chỉ có nội dung mà còn phải có cách trình bày phù hợp. Yếu tố mỹ thuật hiện nay ít được chú trọng dẫn tới sách cho thiếu nhi mà làm như sách dành cho người lớn là không thể chấp nhận”, nhà văn Phong Việt nói.  

Nhà phê bình Bùi Thành Truyền cho rằng, cách làm sách cho thiếu nhi hiện nay không phù hợp với lứa tuổi. Theo ông, mấy chục năm trước, khi xuất bản cuốn Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài, nhà xuất bản ngày đó đã chia nhỏ cuốn sách làm 4 tập cho phù hợp với bạn đọc. Nhưng hiện nay, cuốn sách in lại chỉ còn một tập, hình thức không bắt mắt với bạn đọc nhí. Thậm chí trên thị trường những cuốn sách làm cho thiếu nhi nhưng dày tới cả vài trăm trang, chỉ toàn chữ với chữ. “Người lớn khi cầm cuốn sách dày như thế còn ngại đọc, đừng nói các cháu thiếu nhi”, nhà phê bình Bùi Thanh Truyền nói.

Cần hỏi thiếu nhi muốn đọc gì?

 Theo TS Quách Thu Nguyệt, việc định hướng đầu tư cho sách thiếu nhi được các nhà xuất bản quan tâm từ lâu và thành phố đã có giải thưởng “Sách hay cho thiếu nhi” nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả. Một số nhà văn cũng có những sáng tác dành cho thiếu nhi nhưng chưa tạo sức hút với đọc giả nhí. “Hình như chúng ta chưa có những đợt khảo sát về nhu cầu sách dành cho thiếu nhi, hỏi xem các em thích đọc gì? Mong muốn gì từ sách? Những kiến thức dành cho lứa tuổi các em như kỹ năng sống, lẽ sống, lý tưởng sống chưa được các nhà làm sách quan tâm, đưa đến cho các em”, TS Quách Thu Nguyệt nêu vấn đề.

Nhà văn Phong Việt kể về kinh nghiệm để có một cuốn sách cho thiếu nhi thành công, bước đầu tiên, người viết phải từ bỏ cái “tôi” của mình, văn phong phải giản dị, không mang nặng tính triết lý hay dạy đời. Còn ông Lê Hoàng- Giám đốc Cty Đường sách TPHCM cho rằng, để có một cuốn sách hay, sách viết cho thiếu nhi phải có câu chuyện, phải kích hoạt cho người đọc chú ý bởi câu chuyện và thông điệp mang tính nhân văn.

“Làm sao cho độc giả nhớ câu chuyện mang tính nhân văn trong tác phẩm đó, chứ không phải nhớ mạch văn, nhớ hình thức của cuốn sách. Bởi vì nó hấp dẫn người ta đến mức nó lấy được nước mắt người đọc. Những cuốn sách thiếu nhi hay, đứng được trong lòng bạn đọc qua nhiều thế hệ đều có những thông điệp như thế”, ông Lê Hoàng nói.

Cũng theo ông, để có những cuốn sách hay cho thiếu nhi, bên cạnh sự nỗ lực của các nhà văn, các nhà xuất bản cần có những sự thay đổi như kết nối với các nhà mỹ thuật để đầu tư làm sách cho thiếu nhi, kết nối với các trường học để đưa sách tới cho các em. Điều đó cần phải có thời gian cũng như những thay đổi ngay từ cấp quản lý.

Theo nhà văn Văn Thành Lê, cái khó hiện nay của các nhà xuất bản khi làm sách cho thiếu nhi là phải cân đối giữa việc làm sách cho thiếu nhi các đô thị lớn và thiếu nhi các vùng sâu vùng xa. Việc đầu tư một cuốn sách hay, sách đẹp chi phí sẽ cao, không thể đáp ứng cho mọi đối tượng thiếu nhi khác nhau. Ngoài ra nhu cầu đọc của thiếu nhi các vùng có nhiều sự khác biệt mà các nhà làm sách cho các em chưa thể dung hòa trong một sớm một chiều.