Lên phương án xử lý gần 80% điểm ùn tắc

TP - Trong khi lượng phương tiện cá nhân vẫn tăng cao, hạ tầng giao thông chưa có thêm công trình nào được đưa vào sử dụng, tuy nhiên bằng các giải pháp điều tiết, tổ chức giao thông linh hoạt trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở GTVT Hà Nội đã giảm được 15% số điểm ùn tắc, tiếp tục lên phương án xử lý tiếp gần 80% các điểm tồn tại.
Giao thông tại nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến vừa được Sở GTVT Hà Nội điều chỉnh, tổ chức lại. Ảnh: T.Đ

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, cùng với bám sát các chỉ đạo của Bộ GTVT, Thành phố, trong các tháng đầu năm 2024 Sở GTVT đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp giảm ùn tắc, đảm bảo giao thông.

“Trong đó, công tác tổ chức, phân luồng giao thông đã được Thanh tra giao thông (TTGT) chủ động phối hợp với Công an thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện điều tiết, chống ùn tắc tại 234 vị trí có tình trạng ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Tổ chức, điều chỉnh đi lại tại 154 khu vực các cổng trường học có nguy cơ ùn tắc, mất trật tự; triển khai thí điểm tuyến đường cho xe đạp hoạt động ở đường ven sông Tô Lịch (đoạn từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở), thực hiện công tác chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện tuyến đường xe đạp thứ hai trên tuyến đường bao quanh Công viên Hòa Bình thuộc quận Bắc Từ Liêm”, ông Thường thông tin.

Sở GTVT đã ưu tiên triển khai thực hiện công tác đầu tư xây dựng đối với các dự án chuyển tiếp giai đoạn 2016-2020; dự án đường sắt đô thị; dự án trọng điểm giai đoạn 2021-2025; dự án liên kết vùng; đường vành đai, trục hướng tâm, cầu vượt sông; các dự án mở mới để khai thác quỹ đất hai bên đường; các dự án góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các huyện phía Nam…

Công tác quản lý, bảo trì và khai thác đường sắt đô thị được chú trọng khi Sở GTVT đã phối hợp với Ban dự án đường sắt đô thị Hà Nội, các đơn vị liên quan thực hiện công tác tiếp nhận tài sản kết cấu hạ tầng giao thông tài sản công trình đường sắt đô thị và đưa vào hoạt động có hiệu quả tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy).

Trên lĩnh vực vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), Sở GTVT đã thực hiện điều chỉnh hợp lý hóa lộ trình, dịch vụ đối với 61 tuyến buýt, điều chỉnh lộ trình đối với 53 tuyến buýt và điều chỉnh thời gian biểu chạy xe đối với 76 tuyến buýt; Tiếp tục phối hợp với Sở GTVT các tỉnh, thành phố trong quản lý hoạt động vận tải tuyến xe khách liên tỉnh, ban hành văn bản điều chỉnh giờ xuất bến, thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác tuyến, vé điện tử; Điều chỉnh giờ xuất bến, điểu chỉnh tần suất các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh tại các Bến xe trên địa bàn Thành phố.

Trong 6 tháng đầu năm, Sở GTVT đã tổ chức 879 kỳ thi sát hạch; cấp mới 94.036 giấy phép lái xe. Thanh tra Sở GTVT đã kiểm tra, lập biên bản 8.551 trường hợp vi phạm hành chính, phạt tiền 28,1 tỷ đồng…

Từ các giải pháp trên, trong 6 tháng đầu năm Sở GTVT đã xử lý 7/33 (15%) điểm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Sản lượng VTHKCC bằng xe buýt trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 202,5 triệu (trong đó buýt trợ giá ước đạt 197 triệu lượt hành khách), tăng 7,8% so với thực hiện cùng kỳ năm ngoái. Riêng 2 tuyến đường sắt đô thị số 2 (Cát Linh - Hà Đông) và đường sắt đô thị Nhổn - Cầu Giấy (tuyến số 3) trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 5,5 triệu lượt hành khách, tăng 7,6% so với thực hiện cùng kỳ năm ngoái.

6 tháng đầu năm Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức hơn 800 kỳ thi sát hạch lái xe. Ảnh: T.Đảng

Xử lý 26/33 điểm ùn tắc

Với các nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, cùng với công tác tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, đề án chuyên ngành, Sở GTVT tiếp tục chú trọng đến công tác quản lý nhà nước về đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải….

Cụ thể, theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện dự án Hỗ trợ phát triển hệ thống thẻ vé liên thông cho vận tải công cộng Hà Nội sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của JICA theo kế hoạch hoạt động đã được thành phố phê duyệt. Phối hợp với Phòng CSGT - Công an thành phố nghiên cứu phân loại và xây dựng phương án xử lý đối với 26/33 (78%) điểm ùn tắc giao thông còn lại và các điểm ùn tắc phát sinh trong năm 2024; Phối hợp với Phòng CSGT - Công an Thành phố, Công an các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát và thống kê các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, điểm ùn tắc giao thông và nghiên cứu xây dựng phương án xử lý bảo đảm an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông; thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự tại 15/64 khu vực cổng trường có nguy cơ ùn tắc, mất ATGT…

Công tác quản lý vận tải, nghiên cứu phương án tăng cường kết nối, trung chuyển hành khách giữa hệ thống xe buýt với tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy) và lựa chọn một số tuyến buýt để đề xuất sử dụng xe buýt điện; tổ chức lại hoạt động của các tuyến buýt theo phương án khôi phục lại điểm trung chuyển Cầu Giấy (nhà ga S8); cải tạo các vị trí điểm dừng xe buýt trên phần tiếp giáp giữa đường bộ và đường sắt tuyến Quốc lộ 5 để đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm; Nâng cao chất lượng, mở rộng vùng phục vụ, hợp lý hóa mạng lưới các tuyến xe buýt, đa dạng hóa các loại phương tiện xe buýt; Từng bước đưa các phương tiện vận tải hành khách công cộng sử dụng năng lượng sạch, thân thiện môi trường thay thế các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng; Phát triển hệ thống thẻ vé thông minh liên thông cho vận tải hành khách công cộng.