Cha con tuổi xưa nay hiếm
Những ngày cuối Đông năm 2021, chúng tôi ngượcquốc lộ 7 lên xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Vượt quãng đường hơn 250km với những vách núi dựng đứng mới có thể chạm “cổng trời”, ở độ cao 1.500m so với mực nước biển. Từ đây nhìn xuống, Mường Lống yên bình trong thung lũng mờ sương.
Xã Mường Lống là nơi cư ngụ của 4.800 người, trong đó gần 100% là đồng bào dân tộc Mông. Theo các bậc cao niên bản địa, nơi những đỉnh núi cao bốn mùa chìm trong sương mù hay heo hút rừng xanh là bản làng mà người Mông sinh sống. Đây là truyền thống mà tổ tiên người Mông truyền lại bao đời nay. “Ở những nơi như thế tuy vất vả, khó khăn nhưng người Mông chăm chỉ làm việc, hòa hợp với thiên nhiên nên sống lâu trăm tuổi là chuyện thường”, lãnh đạo xã Mường Lống cho hay. Dưới sự chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến nhà cụ Và Y Xồng (105 tuổi, bản Mường Lống 2), người cao tuổi nhất của xã và của huyện Kỳ Sơn hiện nay.
Dưới vườn mận tam hoa đang bung nở, cụ Xồng mải mê nhặt củi khô về sưởi ấm. Cụ Xồng điềm nhiên với công việc của mình. “Nho dồng o dờ - Xin chào cụ ạ”, người bạn đồng hành cất tiếng. Thấy có khách, cụ Xồng trở lại nhà. “Trời giá rét, người già và trẻ nhỏ cần có củi, cả mùa Đông chỉ quanh quẩn bên bếp lửa này thôi”, cụ nói. Chồng cụ Xồng là cụ Lầu Chá Xía ít tuổi hơn vợ, nhưng năm nay cũng đã 101 tuổi. Đây cũng là cặp phu thê “bách niên giai lão”. Dù ở tuổi này, nhưng đôi vợ chồng già vẫn sống tự lập, không cần một ai chăm sóc. Hơn một năm nay, sức khỏe cụ ông yếu hơn, không còn đi rẫy chăn bò được nữa, chỉ quanh quẩn với vườn tược.
Vợ chồng cụ Và Y Xồng đều đã hơn 100 tuổi
Vợ chồng cụ Và Y Xồng đều đã hơn 100 tuổi
Cụ Xồng kể, chẳng nhớ nổi cưới nhau năm nào, chỉ biết lúc còn rất trẻ. Tập tục thời đó, những thiếu nữ chưa đến tuổi trăng rằm đã vào đời làm vợ, làm mẹ, thậm chí làm bà ở tuổi 26. Qua cái tuổi ấy, coi như ế. Hai cụ có 8 người con, 3 trai, 5 gái. Trong đó, 2 người con trai đầu sống ở bên Lào, năm nay đã ngoài 80 tuổi, hàng chục năm rồi vẫn chưa về thăm cha mẹ nên cũng chẳng biết có bao nhiêu cháu, chắt bên đó. 5 người con gái lấy chồng xa, ở gần chỉ còn người con trai thứ 8 năm nay đã 62 tuổi. Hai cụ hiện sống nhờ vào khoản trợ cấp dành cho người cao tuổi.
Cách nhà cụ Xồng không xa, chúng tôi đến nhà cụ Xồng Gà Vừ(101 tuổi). Khi chúng tôi đến, cụ Vừ đang thổi khèn cho một nhóm trẻ chừng hơn 10 tuổi nghe. “Tất cả chúng đều là chút của già. Tức là ông nội của chúng là cháu nội của ta đấy. Đây chỉ mới là một số ít thôi”, cụ Vừ nói và khoe chiếc khèn cụ vừa mua về. Cụ Vừ từng là Chủ tịch UBND xã Mường Lống đầu những năm 60 thế kỷ trước, sau đó là Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Kỳ Sơn. Cụ có 3 người vợ, 18 người con. Trong đó, người vợ thứ 3 chỉ mới cưới cách đây ít năm. Lúc cưới, cụ Vừ đã hơn 93 tuổi và người vợ thứ 3 hơn 50 tuổi. Hai cụ gặp nhau trong buổi hẹn hò ở chợ phiên Mường Lống. Đám cưới 30 mâm cỗ với hơn 300 thực khách được tổ chức sau đó, chỉ có người trong gia đình tham gia. Thực tế con cháu, chắt, chút, chít... của cụ cũng đã hơn con số này. Cụ Vừ cho hay, người con trai đầu của cụ cũng đã hơn 80 tuổi.
“Cả huyện có 35 cụ trên 100 tuổi. Trong đó, xã Mường Lống đã có 8 cụ, chưa kể gần 20 cụ khác cũng gần cái tuổi này. Các cụ trên 80 tuổi, toàn xã Mường Lống đang có 68 người”.
Ông Vi Văn Thanh - Chủ tịch Hội người cao tuổi huyện Kỳ Sơn
Cha, mẹ, con cùng trên tuổi xưa nay hiếm không chỉ có gia đình cụ Xồng, cụ Vừ mà gia đình cụ Và Pà Giờ (102 tuổi), ở bản Trung Tâm, xã Mường Lống cũng như thế. Hai vợ chồng cụ Giờ trước khi đến với nhau cũng đều trải qua một lần đò. Cụ Giờ có với người vợ trước 6 người con, còn vợ cụ cũng có với người chồng trước 5 người con. Lấy nhau về, hai cụ có thêm với nhau 6 người con nữa. Tổng cộng hai vợ chồng có đến 17 người con. Trong đó, 2 người con trai đầu của cụ Giờ đã ngoài 80 tuổi, râu tóc bạc trắng. Tính cả số cháu, chắt, chút, chít, cụ Giờ không thể nhớ nổi mà chỉ ước tính vượt con số 300 người.
Bí quyết trường sinh
Theo cụ Và Y Xồng, để sống lâu thì phải ăn uống bằng thực phẩm sạch. Chỉ tay vào bếp, cụ cười nói: “Vợ chồng già không ăn mì chính, gia vị nấu ăn không gì khác ngoài muối. Mỡ thay dầu, mà mỡ cũng từ lợn nhà tự nuôi chứ không bao giờ mua ngoài chợ. Dùng thực phẩm sạch chính là bí quyết quan trọng nhất”. Còn theo cụ Và Pà Giờ thì muốn sống trường thọ phải siêng năng làm việc, lao động chân tay rèn sức khỏe. Đó là lí do mà khi chúng tôi đến nhà, cụ Giờ còn ở trên rẫy chăn bò. “Người Mông ta cần cù, siêng năng, không làm việc không chịu được đâu, buồn lắm. Nếu như ở dưới xuôi hay tập thể dục thì ở trên này đi rẫy. Hơn trăm tuổi, mà già vẫn đi rẫy đó thôi, rất tốt cho sức khỏe”, cụ Giờ chia sẻ.
Một ngày ở Mường Lống có đến 4 mùa, sáng là sương mù của mùa Xuân, trưa nắng ấm như mùa Hè, chiều là thời tiết của mùa Thu và tối đến là cái rét buốt của mùa Đông. Vì thế, Mường Lống được ví như Sa Pa, Đà Lạt.
Cụ Và Pà Giờ sinh ngày 1/9/1919, những năm 60 của thế kỷ trước, cụ là Chủ tịch UBND xã Mường Lống. Đến nay, cụ Giờ nghỉ hưu cũng được hơn 40 năm. Vợ chồng cụ có hàng chục đứa con, nhưng hai cụ chẳng dựa dẫm, sống chung với một ai. Đôi vợ chồng ở tuổi bách niên vẫn ở trong một căn nhà nằm ở cuối bản. Ở đó, cụ ông ngày ngày đi cắt cỏ, chăn 5 con bò cùng với vườn mận tam hoa rộng lớn. Còn cụ bà ngoài việc lo bếp núc, công việc chính là chăm sóc đàn gà, đàn ngỗng gần 100 con. “Hai cụ cứ thích làm việc như thế. Không ai ngăn cản được”, anh Và Pá Bì, người con trai út của hai cụ nói.
Bí quyết sống thọ của cụ Xồng, cụ Giờ cũng chính là bí quyết của người cao niên bản địa. Các cụ đến nay vẫn sống theo kiểu tự cung, tự cấp và gần như chẳng cần đi chợ để mua thực phẩm. Rau, trái tự trồng, gà, vịt tự nuôi. Ngoài ra, một điều kiện quan trọng để người Mông ở Mường Lống sống thọ hơn vùng khác đó là khí hậu. Mường Lống có thể coi là sự khác biệt nhất của xứ Nghệ. Khi cả tỉnh đang mùa gió phơn Tây Nam bỏng rát thì ở “cổng trời” Mường Lống, khí hậu mát mẻ trong lành. Thung lũng bình yên, quanh năm mây mù bao phủ. Một ngày ở Mường Lống có đến 4 mùa, sáng là sương mù của mùa Xuân, trưa nắng ấm như mùa Hè, chiều là thời tiết của mùa Thu và tối đến là cái rét buốt của mùa Đông. Vì thế, Mường Lống được ví như Sa Pa, Đà Lạt.