> “Chuyện chán phèo” không chán
> Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Tôi rất bận, bận cả đi chơi nữa
Lê Văn Nghĩa dân gốc Sài Gòn. Anh từng có những ngày xuống đường tranh đấu cho độc lập dân tộc và cũng đã từng bị bắt, bị đày ải ở nhiều nhà giam có tiếng tàn ác như Chí Hoà, Tân Hiệp, Côn Đảo… Sau ngày đất nước thống nhất, anh là một trong những người đầu tiên làm tờ báo Tuổi Trẻ.
Rồi như một cái duyên, Lê Văn Nghĩa thích viết tiểu phẩm châm biếm và là một trong những người đặt nền móng cho tờ Tuổi trẻ Cười - Tờ báo chuyên hài hước duy nhất của Việt Nam những ngày đó.
Gần 30 năm phụ trách Tuổi trẻ Cười, cùng với những cộng sự, Lê Văn Nghĩa đã đưa tờ báo cười này thành món ăn không thể thiếu đối với bạn đọc.
Có thời điểm, tờ báo cười này đạt doanh số phát hành lên tới gần 30 vạn bản.?Trong đó, có rất nhiều chuyên mục tạo ra bản sắc riêng cho tờ báo như Nông dân cười, Bộ đội cười, Hội chợ cười, Nụ cười nhập khẩu, Quán mắc cỡ, Ghi-nét ngược… Cũng từ tờ báo cười này mà làng báo Việt đã hình thành một đội ngũ họa sỹ chuyên vẽ biếm.?
Rồi có một thời kỳ nhóm kịch Tuổi trẻ cười Sống được hình thành từ Tuổi trẻ Cười quy tụ khá nhiều nghệ sỹ, diễn viên tham gia như Thanh Bạch, Xuân Hương, Nguyễn Dương, Mạc Can… Nhóm đã có một thời gian khá dài trình diễn những vở tiểu phẩm thu hút đông đảo người xem trước khi những nhóm tấu hài khác trình làng. Và công đầu trong các hoạt động trên phải kể đến Lê Văn Nghĩa.
Nhưng nhiều người chỉ biết đến Lê Văn Nghĩa nhờ những tập truyện châm biếm hài hước. Trong hơn 20 năm, anh đã cho ra đời gần 20 tập tiểu phẩm hài hước - Nghĩa là cứ bình quân một năm lại có một tập.
Dù rất nhiều tiểu phẩm nhưng mỗi câu chuyện của Lê Văn Nghĩa lại mang một sắc thái mới, không bị lặp lại. Chính vì thế, những nhân vật trong truyện của Lê Văn Nghĩa dù đã quen thuộc với người đọc nhưng vẫn tạo ra sức hút mà truyện sau lại bán chạy hơn truyện trước.
Đặc biệt từ những tập truyện châm biếm hài hước của mình, Lê Văn Nghĩa tạo ra được những nhân vật gây ấn tượng như Đạo Văn Mỗ - Một ông quan tham hám gái sợ vợ, một cô Linda Kiều ít học lười nhác, mê lấy chồng giàu… Cách xây dựng nhân vật của Lê Văn Nghĩa hài hước nhưng khá đời nên ai đọc cũng cảm thấy… “hình như mình đã gặp ở đâu đó”.
Nhưng gây ấn tượng nhất với mọi người phải là nhân vật Điệp viên Không Không Thấy. Một điệp viên kém tài lười nhác chuyên đi tìm hiểu, điều tra đủ thứ vụ án và kết quả thành công của chàng điệp viên này luôn nhờ may mắn.
Từ con mắt điều tra của điệp viên, nhiều vụ án được phá nhờ những suy luận không logic,?phản thực tế nhưng khi đọc, mọi người lại thấy như những chuyện đó đang xảy ra ngoài đời, bi mà hài.
Điệp viên Không Không Thấy nổi tiếng tới mức sau đó, khi một bộ phim hài nước ngoài nhập về Việt Nam, các nhà dịch phim đã lấy luôn tên nhân vật Không Không Thấy của Lê Văn Nghĩa để đặt thành tên phim.
Nghe chuyện có người xúi Lê Văn Nghĩa đi kiện đòi tiền tác quyền nhưng anh chỉ cười: “Thôi bỏ đi”.
Trào phúng nhưng phần lớn những câu chuyện của Lê Văn Nghĩa thường ít lên gân hay xây dựng tình huống quá cao trào. Anh viết như là đang kể chuyện nhưng lấy không ít nụ cười người đọc.
Ông kể về chuyến đi thăm thằng cháu đang làm chủ tịch xã ở quê. Thằng cháu nổi tiếng tham ô, vơ vét của công. Tưởng rằng nhiệm kỳ tới với tội lỗi như thế thì nó sẽ không được bầu lại làm chủ tịch xã nữa.
Nào ngờ nó vẫn trúng với số phiếu cao ngất. Được hỏi, thằng cháu trả lời: “Cháu lên trước mọi người nói rằng hiện cháu đã giàu nhất xã nên sẽ không “ăn” nữa, còn nếu bà con bầu thằng khác nghèo hơn cháu lên thì nó sẽ phải “ăn”. Vì thế bà con ủng hộ và bầu cho cháu”.
Chuyện để cười nhưng cười xong người đọc lại cảm thấy buồn. Hay là chuyện một ông già hưu trí ra quán nhậu chỉ gọi món lỗ tai heo ngâm giấm. Không phải ông mê món đó mà bởi khi còn đương chức, ông suốt ngày được nghe những kẻ nịnh hót rủ rỉ bên lỗ tai mà người đời gọi là “nhai lỗ tai”.
Khi về hưu chẳng còn kẻ nào “nhai nữa” nên ông nhớ, đành nhai lỗ tai heo cho đỡ ghiền…
Dù vẫn xuất bản truyện hài đều đặn nhưng Lê Văn Nghĩa không chịu nhận là nhà văn viết truyện hài.? Anh cho rằng đó chỉ là những tiểu phẩm đã đăng báo và tập hợp lại xuất bản.
Theo lời kể của nhà văn Trần Hiền Mai, năm 1990, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Đình Quang đã từng cầm tập truyện hài hước của Lê Văn Nghĩa giới thiệu với nhà văn viết tiểu phẩm châm biếm hài hước nổi tiếng thế giới là Azit Nexin.
Nhà văn Azit Nexin đã rất vui vì biết ở Việt Nam có một cây bút chuyên viết chuyện hài như ông và hứa sẽ tổ chức dịch và giới thiệu tại Thổ Nhĩ Kỳ - quê hương nhà văn. Đáng tiếc, sau đó Azit Nexin mất sớm nên dự định không thành.
Tôi hỏi Lê Văn Nghĩa chuyện này thì anh cười: “Mình cũng nghe kể như thế nhưng chưa gặp trực tiếp Azit Nexin thì sao có thể nói được”.
Ít người biết rằng Lê Văn Nghĩa vẽ tranh rất đẹp và là chồng của nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh. Ông còn là nhà sưu tập sách cổ với rất nhiều tác phẩm và là người sưu tập máy nghe nhạc, băng đĩa cũ với số lượng khủng… Theo ông, đó là thú vui làm cho ông tiếp thêm năng lượng để làm việc tốt hơn. Và ông chỉ mong rằng văn chương trào phúng sẽ có thêm những tác giả mới để những người như ông có thể... nghỉ ngơi.?
Là người có quan hệ rộng nhưng Lê Văn Nghĩa lại ít bạn thân. Nếu đã thân với ai thì Lê Văn Nghĩa không tiếc gì, ngay cả dù bị bệnh và ít uống rượu nhưng khi gặp bạn thân, Lê Văn Nghĩa sẵn sàng uống tới cùng. Bởi thế mà song hành với ông luôn là một căn bệnh nào đó.?
Mấy năm nay Lê Văn Nghĩa còn “lấn sân”?sang viết truyện phim, viết truyện ngắn. Đặc biệt anh vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết Mùa hè năm Petrus, viết theo dạng tự sự kể về những năm tháng còn ngồi trên ghế trường Petrus với những người bạn học thuở hoa niên. Cuốn sách mới ra đời nhưng NXB Trẻ đã có kế hoạch tái bản.
Tôi hỏi: “Vậy anh tính bỏ nghề viết truyện châm biếm để trở thành một nhà văn viết tiểu thuyết à?” thì Lê Văn Nghĩa cười: “Đâu có! Nghề viết tiểu phẩm là nghề của tui mà. Sao dám xao nhãng. Nhưng tôi sẽ viết thêm cả tiểu thuyết nữa vì đó cũng là một sự trải lòng”.
Diễn hài cũng nể Vàng và Xanh
Những năm gần đây, bên cạnh việc tổ chức sản xuất tờ Tuổi trẻ Cười, Lê Văn Nghĩa bắt tay xây dựng giải thưởng Cù Nèo Vàng và giải Trái Cóc Xanh.
Nếu như Cù Nèo Vàng nhằm tôn vinh những đạo diễn, diễn viên hay tác giả kịch bản có những đóng góp cho làng kịch hài ở Việt Nam thì Trái Cóc Xanh lại được trao cho những sự kiện hay những gương mặt gây phản cảm trong lĩnh vực văn hoá.
Từ các giải thưởng này, không ít những nghệ sỹ đã được tôn vinh và cũng nhiều nghệ sỹ “được” Trái Cóc Xanh đã phải ngẫm nghĩ.
Lê Văn Nghĩa cho rằng niềm vui nhất của anh khi tổ chức giải Cù Nèo Vàng là được sự đồng nhất và công nhận của khán giả. Những nghệ sỹ đạt giải thưởng này cũng luôn có ý thức và biết gìn giữ tên tuổi sau khi đạt giải.
Và Lê Văn Nghĩa hy vọng qua giải thưởng sẽ có nhiều lớp nghệ sỹ diễn hài tốt hơn, có sự đầu tư kỹ lưỡng hơn để đem lại tiếng cười lành mạnh cho khán giả.
Là người “Chủ xị” giải Cù Nèo Vàng nhưng Lê Văn Nghĩa không có chủ trương trao giải cho các nhà văn mà chỉ trao cho các vở diễn hay phim. Theo ông nếu trao cho các nhà văn thì “Việt Nam chỉ có chừng mươi nhà văn viết truyện hài trong đó có tui. Nếu trao thế thì hóa ra tui trao giải cho tui à? Thì thôi đi!”- Ông nói rất thật.