Nhà thơ, dịch giả Dương Tường tên thật Trần Dương Tường, sinh ngày 4/8/1932, mất 20h08 ngày 24/2/2023, hưởng thọ 92 tuổi. Ông nằm viện hơn hai tháng cuối đời. Ông ra đi bên cạnh con cháu.
Lễ viếng diễn ra từ 9h15 đến 10h30 ngày 1/3 (tức 10 tháng 2 năm Quý Mão). Lễ truy điệu được cử hành vào 10h45 cùng ngày tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội), hỏa táng tại Đài hóa thân hoàn vũ.
Trong mắt nhà văn Ngô Thảo, Dương Tường là “hậu duệ cuối cùng của trường phái phu chữ”, cùng với các ông như Lê Đạt, Đặng Đình Hưng… Không riêng bạn văn mà chính Dương Tường sinh thời cũng thừa nhận cả cuộc đời theo đuổi chữ nghĩa một cách đơn thuần, không vì chức tước, danh lợi.
Dương Tường xứng đáng là dịch giả tầm cỡ trên đỉnh vinh quang của lĩnh vực dịch thuật, không chỉ bởi số lượng 50 tác phẩm đã chuyển ngữ (phần lớn là những tác phẩm lớn và thuộc hàng khó tiếp cận). Ông còn được kính nể vì sự am tường văn hóa, là cây viết phê bình văn học, mỹ thuật được giới chuyên môn đánh giá cao.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ với Tiền Phong rằng Dương Tường có công truyền bá các tác phẩm văn học lớn của thế giới vào Việt Nam. "Ông là người làm việc lặng lẽ, luôn hướng tới sự đổi mới, trong cả sự kiếm tìm những cuốn sách để dịch cũng như trong sự sáng tạo của thơ ca" và "đóng góp đáng kể trong tiến trình thúc đẩy sự phát triển văn học", ông Thiều nói.
“Chúng ta đánh giá Dương Tường như một người yêu tiếng Việt, biết sử dụng tiếng Việt làm giàu trí tuệ của Việt Nam”, nhà văn Ngô Thảo nhận xét. Dù coi dịch thuật như nghề mưu sinh nhưng Dương Tường cũng trở thành “phu chữ” trên con đường dịch sách gian nan ấy.
Dương Tường được gắn mác dịch giả đối với phần đông độc giả, thế nhưng ông luôn đau đáu với thơ ca, dù thơ của ông kén người đọc. Ông làm thơ sớm trước khi đến với dịch thuật. Ông từng in các tập thơ 36 bài tình (in chung với Lê Đạt), Đàn, Dương Tường thơ (2017). Một số bài thơ của ông được Phú Quang phổ nhạc Tình khúc 24, Dương cầm lạnh.
Một số tác phẩm dịch gắn liền với tên tuổi của ông: Đồi gió hú, Cuốn theo chiều gió, Kafka bên bờ biển, Cái trống thiếc, Phố những cửa hiệu u tối, Đi tìm thời gian đã mất, Alexis Zorba con người hoan lạc, Chết chịu (Louis-Ferdinand Céline)...