Lễ hội Chùa Hương - Điểm đến du lịch, văn hóa, truyền thống Việt

Để thu hút du khách, di tích chùa Hương đã được đầu tư, ứng dụng công nghệ, đổi mới cơ chế quản lý, phát huy, bảo tồn, khai thác giá trị di tích, cảnh quan, tổ chức các hoạt động lễ hội và dịch vụ… góp phần tạo ra những mùa lễ hội an toàn, văn minh và hiện đại.

Nhắc đến những lễ hội lớn nhất của miền Bắc dịp Tết, chúng ta không thể bỏ qua lễ hội chùa Hương - Lễ hội được ví von như “hành trình về đất Phật” và nhận được sự quan tâm của đông đảo khách du lịch.

Lễ hội chùa Hương diễn ra trong khoảng thời gian dài từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch. Khai hội chính thức bắt đầu lễ hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng hàng năm, ngày mở cửa rừng của người dân, là lễ hội dài nhất trong năm ở khu vực miền Bắc.

Đến với chùa Hương, du khách sẽ được biết đến như một quần thể hang động mang đậm màu sắc, tín ngưỡng tôn giáo dân gian và phảng phất nét văn hóa phồn thực. Nơi đây được ví như một khu phức hợp giữa tôn giáo và văn hóa bao gồm những ngôi chùa Phật giáo, những ngôi đền thờ các thần long nhãn và tín ngưỡng nông nghiệp. Trung tâm của nơi đây là chùa Hương trong động Hương Tích, hay còn được gọi với cái tên khác là chùa Trong...

Trong những năm qua, để thu hút du khách, UBND huyện Mỹ Đức, Ban Quản lý (BQL) Di tích và thắng cảnh đã đầu tư, đổi mới cơ chế quản lý, phát huy, bảo tồn, khai thác giá trị di tích, cảnh quan, dịch vụ…

Năm 2024 lượng khách về chùa Hương khoảng 90 vạn lượt và năm 2025 dự kiến sẽ hơn nhiều. Để hoàn thiện bứt phá trước thềm lễ hội 2025 UBND huyện và BQL lễ hội đã và đang nỗ lực hoàn thiện về giao thông cảnh quan, môi trường .

Ngoài việc đã sơn sửa làm đẹp hơn 4000 con đò, trang bị hàng chục ngàn áo phao cho du khách, đồng phục cho hơn 4000 xã viên lái đò thời vụ Hợp tác xã dịch vụ du lịch Chùa Hương vừa có những thay đổi đầu tư đột phá cho lễ hội năm 2025. Du khách xuống đò du xuân vãn cảnh dọc suối Yến có ô che, nước uống an toàn miễn phí. HTX cũng vừa đầu tư công nghệ bằng việc số hóa tích hợp vé đi đò và vé tham quan vãn cảnh bằng việc quẹt thẻ mã code QR tiện lợi, giảm thời gian xuất trình vé nhiều lần cho du khách. Qua đó, người lái đò sẽ hưởng lợi chung ăn chia đồng đều chấm dứt tình trạng tranh giành khách, mất an ninh trật tự. Mỗi xã viên lái đò có 1 mã QR để HTX quản lý, tương tác thông tin phản hồi về thái độ phục vụ của lái đò đối với du khách.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo HTX khẳng định đã đầu tư rất lớn cả về nhân lực, vật lực kể cả công nghệ số hóa, đảm bảo công tác bảo vệ môi trường trên dòng suối và bến xe; ký hợp đồng giao khoán lao động thu gom rác trên dòng suối nâng cao chất lượng phục vụ tạo môi trường thực sự an bình thư thái cho du khách vãn cảnh du đò dọc suối Yến hiền hòa thanh tịnh.

Về vùng đất thiêng lễ Phật hiền, cầu một năm mới vui khỏe thuận hòa thì chùa Hương là một điểm du lịch tâm linh mà bạn chẳng thể bỏ qua. Hãy chuẩn bị đầy đủ hành lý và đếm ngày đến thăm nơi Chúa Trịnh Sâm đã ưu ái đề lên “Nam Thiên Đệ Nhất Động”.

Hợp tác xã thông báo giá vé đò dọc dự kiến cho lễ hội năm 2025 như sau: Giá vé thuyền đò đi tuyến Hương Tích 110.000 đồng/ người/2 lượt vào ra, 65.000 đồng/ người/2 lượt vào ra (vé trẻ em dưới 1m2); tuyến Long Vân - Tuyết Sơn 85.000 đồng/ người/2 lượt vào ra, 50.000 đồng/ người/2 lượt vào ra (vé trẻ em dưới 1m2)