Trong đó có các tuyến phố Trần Đăng Ninh, Trương Công Giai (Cầu Giấy); phố Trích Sài (ven Hồ Tây, quận Tây Hồ)… Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại về chất lượng lát vỉa hè mới. Bởi ở những tuyến cũ, đã có nhiều nơi vỉa hè đã hư hỏng.
Ghi nhận của PV Tiền Phong tại đường Trần Đăng Ninh, vỉa hè bên số chẵn đang hoàn thiện khâu lát gạch, bên vỉa hè số chẵn đang được đào xới, vật liệu ngổn ngang như một đại công trường.
Theo người dân tại đây, công trường thi công đã thực hiện hơn 1 tháng, đến nay vẫn chưa lát xong 1 bên phố.
Ông Trần Quang Thắng – Trưởng cụm 6, tổ dân phố số 8, phường Dịch Vọng chia sẻ: “Công nhân làm chậm và rất ẩu. Nếu không có người dân giám sát thì hỏng hết”.
Ông Thắng chỉ vào đống phế thải trên vỉa hè và và cho biết, hôm nọ họ đào xới gạch block cũ lên để thi công hạ ngầm, gạch phế thải tập kết ngay trên vỉa hè vô cùng bẩn, choán lối đi. Ông Thắng thay mặt người dân yêu cầu phải chuyển đi, thì đến đêm qua xe chở gạch đến lại chết máy ngay trên phố nên gạch không bỏ đi được, lại thêm cái xe tải choán lòng đường. ..
Được biết, đoạn phố này được lát gạch giả đá.
Việc lát gạch chậm khiến người dân bức xúc theo bà Vân - tổ trưởng tổ dân phố số 8 phường Dịch Vọng thì có thể thông cảm, bởi công việc đang thực hiện kiểu “cuốn chiếu”, vừa hạ ngầm điện, cáp viễn thông, cắt tỉa cây cối… rồi mới thực hiện lu nền, lát gạch được. ..
Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng, chủ đầu tư phải công khai thời gian hoàn thành dự án, các loại vật liệu để chính người dân giám sát. Đảm bảo không lặp lại việc lát đá tràn lan, có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng đã từng xảy ra tại Hà Nội.
Tại phố Trích Sài (quận Tây Hồ), chỉ huy công trường cho biết, đơn vị có 4 đội công nhân, mỗi đội 6 người chia nhau cải tạo vỉa hè dọc đường Trích Sài. Ảnh: Mạnh Thắng
Tại một số tuyến đường đã từng lát đá tự nhiên, việc xuống cấp, vỡ gạch cũng xuất hiện khá nhiều. Trên ảnh là vỉa hè trên đường Láng Hạ, gạch vỡ được cho là do quá nhiều ô tô đi lên vỉa hè. Ảnh: Phạm Linh
Cạnh đó, tuyến đường Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa) đá vỉa hè cũng trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Phạm Linh
Trên một số tuyến đường trung tâm. Việc để ô tô lên vỉa hè ảnh hưởng đến hệ thống bó vỉa và đá vỉa hè.
Ông Toại (người dân phường Lê Đại Hành) cho biết, năm 2017 UBND quận Hai Bà Trưng lát đá tự nhiên vỉa hè khiến quán ăn nhà ông cả tháng trời “ế khách” vì bụi bặm và tiếng ồn. Tuy nhiên, mới được 1 năm một số đoạn đá tự nhiên đã vỡ nát, chủ yếu là ở các công trình xây dựng. Trên ảnh là công trình xây dựng 40 Đại Cồ Việt (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng).
Cũng trên địa bàn phường Lê Đại Hành, công trình 324C Bà Triệu khiến toàn bộ đá tự nhiên "độ bền 70 năm" vỡ nát.
Tại phố Quang Trung (quận Hoàn Kiếm) việc trông giữ xe khiến nhiều viên gạch bị bật khỏi nền.
Một số đoạn gần bó vỉa, gạch cũng bị vỡ do cập kênh.
Vỉa hè 1 tuyến phố bị "băm nát" do tập kết vật liệu xây dựng.
Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, để tránh việc thực hiện chỉnh trang vỉa hè tràn lan, UBND thành phố đã ban hành “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Trong đó có quy định giao trách nhiệm cho UBND cấp quận, huyện về quản lý cấp phép trông xe trên vỉa hè. Đồng thời, quận huyện cũng có thẩm quyền lựa chọn vật liệu lát hè phù hợp với mục tiêu dự án.