Phải nói ngay rằng, viết về Hà Nội thì hầu như nhà báo nào công tác trên địa bàn Thủ đô cũng từng viết ít nhiều, có người còn gắn chặt chỉ với các đề tài về Hà Nội. Thế nên, sách về Hà Nội khá nhiều cuốn đã được xuất bản, từ thơ, văn đến ảnh, báo chí, nghiên cứu, tham khảo trên tất cả các lĩnh vực. Nhưng khi đọc xong cuốn “Những mảy vàng lấp lánh” của nhà báo Tạ Việt Anh (Nhà xuất bản Văn học, quý 1-2019), vẫn thấy toát lên một tình yêu sâu lặng, chất chứa nhiều cung bậc cảm xúc, vẫn thấy một Hà Nội rất riêng của một nhà báo nhiều năm gắn bó với 2 tờ báo lớn của Thủ đô là Hànộimới và Kinh tế & Đô thị, từ khi còn là phóng viên đến lúc là người đứng đầu cơ quan báo chí của Hà Nội.
Phải đến khi nghỉ quản lý khá lâu, sắp vào tuổi “thấp thập cổ lai hy”, nhà báo Tạ Việt Anh mới cho xuất bản cuốn sách đầu tay của mình. Nhưng ông không chọn in lại những tác phẩm chính luận hay thời sự, mà lại lựa chọn kết hợp truyện ngắn và tản văn - một thể loại báo chí phản ánh thời cuộc quyện nhuần nhị, hài hòa với văn chương. Như chính ông cũng tự bạch rằng: “Ngót 40 năm làm nghề không nhớ hết những gì mình viết ra. Chỉ nhớ rằng, rất nhiều điều, chỉ viết ra bởi trách nhiệm. Và cũng vì cái gọi là trách nhiệm mà nhiều khi không thể viết ra những điều trăn trở trong lòng. Những điều muốn viết, có thể viết, may mắn thay đã như cái neo giữ mình lại với nghề. Trong đó có những cảm nhận, tình yêu Hà Nội”…
“Những mảy vàng lấp lánh” gồm 12 truyện ngắn, 29 tản văn nhỏ xinh, dễ đọc, chỉ gồm 262 trang nội dung khổ phổ thông 13,5X20,5cm. Tất cả đều là những “mảnh” của Hà Nội lấp lánh trong cuộc sống thường ngày, trên khắp mọi miền đất nước, chứ không phải riêng tại Hà Nội, mà từ “quãng năm 1975, lần đầu tiên tôi cảm nhận về việc đâu đó trên mọi miền đất nước có những “mảnh” của Hà Nội lấp lánh…”, như tác giả bộc lộ trong tản văn lấy làm tiêu đề của cuốn sách.
Quả thực, xuyên suốt các trang nội dung của cuốn sách, đều thấy toát bừng lên những “mảy vàng” lấp lánh, cả ở các truyện ngắn hay những tản văn, dù chủ đề phản ánh thuộc cấp độ, lĩnh vực, phạm vi nào của Hà Nội đi nữa, dù đối tượng, phạm vi không gian, thời gian phản ánh là từ thời tác giả đi lính cầm súng chiến đấu bảo vệ đất nước, về lại Thủ đô cầm bút viết báo, hay lúc là người quản lý đến khi đã nghỉ chế độ. Tất cả, đều lấp lánh sắc màu Hà Nội, đặc biệt là những ngày giáp Tết. Lấp lánh sự thuần khiết, trọng tình, nhưng cũng rất ngang trái cuộc đời như Toản (Nhành thúy cúc) để rồi thấy những giá trị bị đảo lộn không chỉ diễn ra ở thời bao cấp xa xưa. Cái kết ấy thật nhẹ nhàng, đáng trân trọng, nhưng đầy suy ngẫm, như số phận về mối tình của một chàng trai tử tế, trọng nghĩa, vẹn tình nhưng dang dở…
Tôi nhẩn nha đọc chậm rãi từng truyện ngắn, tản văn một. Đọc một cách bất chợt, ngẫu hứng chứ không theo trình tự từ đầu đến cuối. Dù là truyện ngắn, hay tản văn, dù đề tài về cuộc sống hay tình yêu, về món ăn hay thú chơi, về người thật hay việc thật, về Hà Nội cũ xưa hay hiện đại, về những gì trường tồn hay đã mai một, nhạt phai. Có thể chỉ nhìn qua các tiêu đề thôi cũng đủ thấy một Hà Nội rất đỗi bình dị, tinh tế, cao sang, riêng có, đời thường, gần gũi, thân quen, như: “Ấm chè sen”, “Chiều cuối năm”, “Chuyện phố nhỏ”, “Chén chè bình dân bên hè phố”, “Cây sấu Hà Nội”, “Ngọn thơm làng Láng”, “Hà Nội và hoa”, “Bia hơi Hà Nội bây giờ”, “Thu Hà Nội”, “Quà sáng không chỉ riêng phở”, “Nhịp xuân phố cổ”…
Tất cả, đều ngắn gọn, dễ đọc, đều toát lên rõ ràng, trực diện, nhưng vô cùng tinh tế, riêng tư, chứa đựng thông điệp cụ thể, thấm đẫm tính hoài niệm, tình người, sự nhân văn sâu sắc. Đều lấp lánh sắc màu, tình yêu, trách nhiệm với Hà Nội. Như chính tác giả mà tôi may mắn được quen biết đã lâu, được bao dung, trìu mến, chiếu cố nhận là bạn vong niên…