Lao động giá rẻ và cuộc sống không như mơ tại Nhật

Tang Xili (35 tuổi) từ Trung Quốc đến Nhật năm 2013, với mong muốn kiếm đủ tiền xây nhà cho con gái trong 3 năm, nhưng sau đó cô đã phải thất vọng.
Tang trong nơi ở dành cho các nhân viên học việc Trung Quốc tại Hashima. Ảnh: Bloomberg

Tang hiện sống trong một khu nhà của công đoàn lao động tại thành phố Hashima, cố gắng đòi 3,5 triệu yên (31.000 USD) tiền công chưa được trả. Cô cho biết đã phải làm việc nhiều giờ liền, 6 ngày một tuần với tiền công dưới mức lương tối thiểu. Cô cũng không thể thay đổi nơi làm việc do quy định trong visa.

Tang chỉ là một trong hơn 180.000 lao động nước ngoài tham gia một chương trình của Chính phủ Nhật. Chương trình này sẽ đào tạo nhân lực từ các quốc gia đang phát triển, trang bị cho họ những kỹ năng có thể dùng được khi về nước. Tuy nhiên, nó lại vô tình giúp cho một số công ty Nhật lách quy định về lao động nước ngoài và tận dụng được lượng lớn nhân công giá rẻ.

Chủ cũ của Tang - Toshihiro Masago - Giám đốc hãng dệt may Takara Seni đã từ chối bình luận trường hợp của cô. Ông chỉ cho biết công ty mình rất cần lao động nước ngoài. Ông hy vọng Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tạo ra một chương trình nhập cư phù hợp cho lao động nước ngoài làm các công việc phổ thông lương thấp.

Dù vậy, giới phân tích cho rằng việc này khó xảy ra. "Người Nhật rất coi trọng dân tộc và đa phần sẽ không chấp nhận điều này", Kazuteru Tagaya - Giáo sư luật ở Đại học Dokkyo cho biết.

Để đối phó với việc lực lượng lao động co lại và chi phí nhân công tăng, Chính quyền ông Abe đã lên kế hoạch kéo dài chương trình thực tập. Một dự luật được trình lên Quốc hội sẽ tăng thời gian của chương trình từ 3 lên 5 năm, đồng thời thành lập một cơ quan giám sát nhằm bảo vệ quyền lợi của người tham gia.

Chương trình này gặp khá nhiều điều tiếng. Theo báo cáo về nạn buôn người, công bố tháng 7/2015 của Bộ Ngoại giao Mỹ, một số công nhân đã bị cưỡng ép lao động. Họ phải trả tới 10.000 USD để được nhận việc làm. Hợp đồng cũng quy định họ sẽ phải bồi thường hàng nghìn USD nếu bỏ việc.

Tài liệu của Bộ Lao động, Bộ Tư pháp Nhật Bản và cơ quan giám sát của Chính phủ cũng phát hiện ra những trường hợp công ty trả dưới lương tối thiểu, yêu cầu tiền đặt cọc từ phía người lao đông hay tịch thu hộ chiếu và điện thoại di động của họ.

Chương trình này bắt đầu từ năm 1993, tuyển dụng nhân công cho 72 ngành nghề như nông nghiệp, xây dựng, chế biến thực phẩm và may mặc. Thông thường, lao động sẽ được giới thiệu việc làm qua các công ty môi giới. Tang cho biết cô đã phải trả cho trung tâm tuyển dụng tại Trung Quốc 30.000 NDT (4.600 USD) để tìm một công việc phù hợp, với cam kết mang về nhà 44.000 USD.

Tang là một trong 30 nhân viên học nghề ở Takara Seni. Ngày thường, họ phải làm việc từ 7 giờ sáng đến 8h35 tối, 6 ngày một tuần, với mức lương xấp xỉ lương tối thiểu. Tang kiếm được khoảng 140.000 yên mỗi tháng sau khi người chủ trừ đi tiền nhà, điện nước và Internet. Cô và đồng nghiệp bị cấm dùng điện thoại di động. Sổ tiết kiệm cũng bị giữ lại mỗi khi về thăm nhà, khiến cô không thể sử dụng tiền của mình.

Năm 2014, Bộ Lao động Nhật điều tra hơn 3.900 công ty có nhân viên thực tập và phát hiện 76% số đó vi phạm luật lao động, như trả lương thấp (chỉ bằng nửa lương cơ bản), vượt thời gian làm thêm giờ hoặc sử dụng máy móc không an toàn.

Điều kiện làm việc cực khổ tại Nhật, cộng thêm tình trạng lương bổng được cải thiện ở Trung Quốc đã khiến lượng lao động Trung Quốc sang Nhật giảm mạnh. Kết quả là các công ty Nhật chuyển sang tìm kiếm nhân công đến từ Việt Nam, Philippines và Indonesia.

Năm ngoái, TSS - một công ty chuyên sản xuất máy móc công nghiệp, lần đầu tiên nhận 6 nhân công Việt Nam vào làm việc. Họ chi cho mỗi nhân công 200.000 yên mỗi tháng, đã bao gồm lương cơ bản, lương ngoài giờ và lệ phí môi giới.

Dù vậy, những người này rất khó có thể thăng tiến do họ chỉ làm việc với công ty cho tới khi visa hết hạn (3 năm). Kể cả được gia hạn lên 5 năm, những lao động này cũng không được tự do nhảy việc.

Zhang Wenkun (36 tuổi) từng làm việc ở Nobe Kogyo - một công ty tái chế chất thải xây dựng phía bắc Tokyo. Tay anh bị thương bởi máy nghiền gỗ và được nghỉ phép 3 tháng kèm khoản tiền bảo hiểm. Nhưng khi trở lại làm việc, vết thương tái phát, công ty đã sa thải và chuyển hết đồ đạc của anh ra ngoài.

Trên Bloomberg, Motohiro Onda - nhân viên phòng tiêu chuẩn lao động thuộc Bộ Lao động Nhật Bản không cho biết liệu những công ty như Takara Seni hay Nobe Kogyo có bị điều tra hay không, do quy định bảo mật thông tin.

Ngành công nghiệp ở Hashima đang gặp khó do cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài, khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa. Nếu tiếp tục hoạt động, Nhật Bản nhiều khả năng phải thay đổi thái độ với lao động nước ngoài. "Chúng ta phải khiến họ sẵn sàng làm việc chăm chỉ ở đây, giúp họ hòa đồng và có cuộc sống tốt đẹp, thay vì bị cô lập và phân biệt", Satoshi Matsui - Thị trưởng thành phố này kết luận.

Theo Theo VnExpress