Hãy chúc tết nhân dân
Trao đổi với Tiền Phong, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, việc Thủ tướng yêu cầu các địa phương không được về Hà Nội chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành cần phải được thực hiện nghiêm. Đây chính là giải pháp nhằm xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo mà Thủ tướng đã nêu ra.
“Chỉ đạo của Thủ tướng sẽ được cụ thể hoá bằng văn bản và đưa vào Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Văn bản đó sẽ gửi cho tất cả các địa phương để làm căn cứ thực hiện. Chúng tôi cũng mong muốn báo chí, nhân dân giám sát và phản ánh việc thực hiện chỉ đạo trên ở tất cả các cơ quan hành chính, từ trung ương cho đến địa phương. Những đơn vị, cá nhân nào không thực hiện sẽ bị nhắc nhở, xử lý”, ông Dũng nói.
Chúng tôi cũng mong muốn báo chí, nhân dân giám sát và phản ánh việc thực hiện chỉ đạo trên ở tất cả các cơ quan hành chính, từ trung ương cho đến địa phương. Những đơn vị, cá nhân nào không thực hiện sẽ bị nhắc nhở, xử lý”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng
Ông Dũng cũng khẳng định, VPCP sẽ cương quyết không mở cửa, không tiếp lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp đến chúc Tết. “Mọi việc bây giờ đều giải quyết qua thủ tục hành chính, qua hệ thống điện tử, thông tin liên lạc thì không có cớ gì để đến gặp gỡ, trao đổi, chúc Tết. Không được lợi dụng gặp gỡ trao đổi để chúc Tết, biếu xén. Thời gian đó hãy để chăm lo, chúc Tết nhân dân”, ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng khẳng định, Chính phủ liêm chính thì phải gương mẫu chứ không khéo mỗi dịp Tết từ địa phương về Hà Nội xếp hàng chúc Tết là không được. “Từ văn bản này các địa phương sẽ không đến nữa và họ cũng cảm thấy thoải mái, không còn băn khoăn khi không đến được. Tôi là người địa phương tôi biết, mỗi lần Tết đến là lo lắm. Nên việc có công bố như vậy là rất phấn khởi cho các địa phương từ xa xôi. Đây cũng là một cách để thực hiện Chính phủ liêm chính”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2016. Ảnh: TTXVN.
Giám sát chặt cấp dưới
Theo ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau chỉ đạo của Thủ tướng, các nơi phải lên kế hoạch thực hiện, tổ chức quy ước với nhau. Các cơ quan cũng phải giám sát. “Văn phòng các cấp ủy phải giám sát việc này. Ủy ban kiểm tra các cấp, thanh tra các cấp phải vào cuộc. Hỏi thêm người dân nữa. Các phóng viên, nhà báo dịp này cũng đi xuống nhân dân để phối hợp giám sát”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, dịp Tết nhiều người sẽ lợi dụng để vụ lợi, kể cả người đi tặng quà và người được tặng quà. Mỗi năm đều có yêu cầu nhưng thực hiện chưa nghiêm. “Ngày xưa những ngày Tết xung quanh các Bộ là xe cộ dày đặc. Mà không phải chỉ biếu xén cho lãnh đạo mà những chuyên viên, cán bộ theo dõi cũng ghê gớm lắm. Chỉ cần một cuộc điện thoại “Tết này cậu quên tớ à” là cũng phải chuẩn bị. Trong chuyện này, chính là do không nghiêm của cấp trên và của cấp dưới. Nhưng thông thường cấp dưới thường sợ cấp trên mà không chỉ sợ những ông thủ trưởng, mà sợ cả những cán bộ của thủ trưởng được phân công theo dõi”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cho rằng, phải kiên quyết để tránh việc cứ dịp Tết là dồn nhau về Hà Nội, hoặc là các huyện, xã phải dồn nhau lên tỉnh. Làm sao để Tết nhẹ nhàng, không phải chạy đi chạy lại chúc Tết thủ trưởng. Cũng theo ông Hùng, mọi việc nên đơn giản như gọi điện, gửi thiếp chúc Tết. “Ngay cả thiếp chúc mừng cũng phải giản dị và tiết kiệm. Nếu như tính toán cho kỹ, không có chuyện nước chảy chỗ trũng thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều, công sức, thời gian, tiền của để tránh chuyện rườm rà”, ông Hùng nói thêm.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, chỉ đạo trên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là hết sức phù hợp. Bởi lâu nay, dư luận phản ánh, cứ vào dịp gần Tết là Hà Nội lại tắc đường vì các tỉnh đổ về chúc Tết. Do đó, những chỉ đạo cụ thể mà Thủ tướng nêu ra là tấm gương để cấp dưới noi theo. “Thủ tướng đã tuyên bố như thế thì chắc chắn lãnh đạo tỉnh, thành sẽ không dám lên chúc Tết”, ông Túc nói. Tuy nhiên, ông Túc lưu ý, cần có cơ chế, giám sát việc thực hiện ở cấp dưới. Bởi cấp trên gương mẫu, nhưng cấp dưới không thực hiện theo thì hiệu quả cũng giảm đi nhiều.